Bạo lực "nghi án chuông"

Bạo lực bùng nổ quanh "nghi án" chuông trăm tuổi

Nhóm người quá khích đã đập phá, đốt trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Yên Phụ ở Bắc Ninh, bắt giam cán bộ phòng văn hóa huyện.
Như Vietnam+ đã đưa tin, hai ngày nay, trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh đã rơi vào trạng thái “tê liệt” do hàng trăm người dân tụ tập vây kín đòi làm rõ về “nghi án chuông cổ”.

Thậm chí, trụ sở ủy ban bị phóng hỏa, đồ đạc bị đập phá, còn một cán bộ chính quyền bị đánh đập.

Đốt trụ sở ủy ban, giam lỏng cán bộ huyện

Tính đến thời điểm 19 giờ ngày 3/5, khu vực trụ sở Ủy ban Nhân dân xã vẫn bị hàng trăm người tụ tập vây kín. Suốt một đoạn đường kéo dài gần 500m từ chùa Yên Phụ  về trụ sở ken cứng người.

Thậm chí, nhiều kẻ quá khích đã hò nhau đập phá bàn ghế, máy tính và két sắt trong hầu hết các phòng. Đỉnh điểm của “đợt tấn công” này là việc hơn chục thanh niên “hùng hổ” vun bàn ghế, giấy tờ đốt ngay tại trụ sở.

Anh Kiên, một người dân sinh sống gần đó cho hay, suốt cả đêm qua, một ngọn lửa lớn đã bùng bùng trùm khắp các gian phòng của trụ sở ủy ban. Nằm ngủ trong nhà nhưng anh vẫn nghe thấy rõ những tiếng nổ lép bép vọng đến.

Vào thời điểm 13 giờ ngày 4/5 khi chúng tôi có mặt tại đây, mặc dù lửa đã được dập tắt khá lâu nhưng đám tro từ vụ cháy vẫn còn phả hơi nóng khá gay gắt. Toàn bộ lớp trần của ủy ban đã bị muội than phủ đen kịt. Hệ thống cửa sổ và cửa chính cũng như đồ đạc bên trong bị người dân quá khích đập phá. Rất nhiều giấy tờ cũng như bằng, giấy khen của xã đã bị ngọn lửa thiêu ra tro.

Cũng trong đêm này, không chỉ nổi lửa đốt cháy trụ sở ủy ban xã, nhóm người quá khích còn giam lỏng anh Nguyễn Quý Hiền, cán bộ phòng văn hóa huyện Yên Phong. Đây là người đã đứng ra công bố kết luật của ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh về chiếc chuông tại chùa Yên Phụ vào tối 2/5

Tuy nhiên, người dân nơi đây cho rằng thông tin anh Hiền nêu không đúng sự thật và nghi ngờ anh nhận hối lộ. Ngay trong đêm đó, anh Hiền đã bị nhóm người quá khích đánh đập và giam giữ ngay tại trụ sở xã trong suốt hơn 1 ngày tiếp theo.

Đến 4 giờ sáng ngày 4/5, anh Hiền mới được công an tỉnh giải cứu và đưa vào bệnh viện đa khoa huyện Từ Sơn cấp cứu.

"Lúc anh Hiền được đưa ra mặt mày bầm tím và biến dạng. Tinh thần anh cũng khá hoảng loạn," ông Nguyễn Thành Khôi, trưởng phòng văn hóa huyện Yên Phong cho biết.

Sẽ đề nghị các cấp cao hơn vào cuộc

Một trong những nguyên nhân chính khiến căng thẳng tại xã Yên Phụ lên cao là nội dung chính bản kết luận của ban quản lý di tích tỉnh công bố ngày 2/5.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Khôi cho hay, ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân về nghi án chuông cổ vào thời điểm cuối tháng 4, phòng văn hóa huyện đã liên hệ với ban quản lý di tích tỉnh và hai chuyên viên am hiểu Hán Nôm nhằm trực tiếp giám định chiếc chuông làng Yên Phụ.

Điều đáng nói là, căn cứ duy nhất để nhóm chuyên gia này xác định thật giả về chiếc chuông chỉ là bức ảnh được chụp tháng 7/2001 trong quá trình khảo tả di tích lịch sử văn hóa tại ngôi chùa này của bảo tàng tỉnh Bắc Ninh.

Chính vì thế, khi nhóm chuyên gia khẳng định quả chuông hiện tại cũng chính là chiếc đã có từ năm 2001, rất nhiều bậc cao niên trong làng đã phản đối. Theo họ, có khả năng, quả chuông đã bị đánh tráo từ trước cả thời điểm năm 2001.

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến anh Hiền bị hành hung và giam giữ tại xã từ ngày 2/5 chỉ vì đã “dám” đứng ra đọc bản kết luận này.

Còn theo anh Hiền, nội dung chính của bản kết luận anh đã đọc chiều ngày 2/5 chủ yếu nhằm vào việc xác định niên đại của chiếc chuông. Theo đó, chuông được đúc vào khoảng năm 1826 vào đời Minh Mạng thứ 7. Bên cạnh đó, kết luận cũng làm rõ về những chi tiết như kích thước, hình dáng, bán kính miệng chuông…

Trước câu hỏi của chúng tôi về hướng giải quyết sự việc, ông Khôi cho rằng, nếu người dân vẫn kiên quyết bác bỏ kết luận này thì phía huyện Yên Phong cũng như tỉnh Bắc Ninh sẽ đề đạt lên cấp cao hơn nhằm làm sáng tỏ vụ việc./.

Xuân Dũng - Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục