Bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới. Mặc dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra, nhiều hội thảo đã được tổ chức nhưng thực tế theo thời gian, mức độ phổ biến và nghiêm trọng của bạo lực học đường có nguy cơ gia tăng, công khai thách thức dư luận xã hội, giống như căn bệnh đã nhờn thuốc. Vì vậy, đã đến lúc cần phải có những liều thuốc mạnh hơn để trị tận gốc "căn bệnh" này.
Sự vô cảm
Thời gian gần đây, quá dễ dàng để tìm thông tin về các vụ học sinh đánh nhau với những clip được phát tán ngày càng nhiều trên mạng xã hội. Người quay clip hồn nhiên, người đứng xem cũng hồn nhiên trước cảnh tượng côn đồ diễn ra trước mắt, không một ai ngăn cản, thậm chí còn hò reo, cổ vũ nhiệt tình.
Sự vô cảm đến tột cùng đó không chỉ khiến nạn nhân bị tổn thương về thể chất mà còn gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng về tinh thần.
Mới đây, đầu tháng 9/2022, một nữ sinh lớp 8 ở tỉnh Hà Tĩnh bị 3 nữ sinh khác lao vào đánh đập, lột quần áo. Mặc cho nạn nhân nhiều lần xin tha nhưng nhóm nữ sinh kia vẫn không dừng lại. Thậm chí, nhiều người chứng kiến sự việc còn hồn nhiên quay lại video rồi đăng tải lên mạng xã hội.
Ngay trong ngày khai giảng đầy ý nghĩa của năm học 2022-2023, một nam sinh lớp 8 ở tỉnh Phú Thọ có mâu thuẫn với bạn đã bị phụ huynh của bạn đến trường, lôi ra ngoài đánh. Học sinh này bị tát liên tiếp vào mặt trước sự chứng kiến của rất đông người, trong đó có cả người đứng quay clip.
Gần đây nhất, một học sinh lớp 9 ở huyện Thường Tín (Hà Nội) đã bị bạn cùng trường lao vào đánh đến mức phải nhập viện điều trị với chẩn đoán ban đầu là chấn thương sọ não. Nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn cũng chỉ đơn giản là lời qua tiếng lại trong giờ ra chơi giữa tiết học.
[Bạo lực học đường: Vấn nạn đáng lo ngại ngay đầu năm học mới]
Theo số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Phần lớn các vụ học sinh xô xát, đánh nhau xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trên lớp, trong cuộc sống, nói xấu nhau trên mạng xã hội hay xuất phát từ sự kích động, xúi giục, lôi kéo của bạn bè…
Không ít nạn nhân của bạo lực học đường rơi vào tình trạng cô đơn, không tìm kiếm được sự bảo vệ đã bỏ học, sa ngã. Nhiều em bị trầm cảm, sang chấn tâm lý, luôn sống trong cảm giác sợ hãi…
Tâm lý "trăm sự nhờ thầy cô"
Cứ khi xảy ra liên tiếp, dồn dập các vụ học sinh đánh nhau, các văn bản của cơ quan chức năng lại xuất hiện để tăng cường chấn chỉnh; đồng thời, các cuộc hội thảo lại được tổ chức để tìm giải pháp. Tuy nhiên sau đó, tất cả lại lắng xuống và các vụ bạo lực học đường vẫn tiếp tục diễn ra như thách thức dư luận.
Xét về góc độ giáo dục thì không thể phủ nhận vai trò của nhà trường đối với học sinh. Hàng ngày, học sinh dành phần lớn thời gian ở trường học, chịu ảnh hưởng khá nhiều của môi trường giáo dục, của sự dạy dỗ từ giáo viên. Nhưng dường như việc dạy dỗ ở trường chủ yếu tập trung vào việc dạy kiến thức theo chương trình sách giáo khoa. Những kiến thức xã hội, kỹ năng sống, cách ứng xử, giao tiếp vẫn được giáo viên đề cập, song ở mức độ khiêm tốn.
Cũng có nhiều giáo viên nhận thức được tầm quan trọng của việc rèn giũa học sinh về mặt đạo đức và ý thức nhưng không nhận được sự phối hợp của phụ huynh. Câu “trăm sự nhờ cô” đã phần nào thể hiện suy nghĩ của cha mẹ khi phó mặc việc giáo dục, dạy dỗ con cái cho giáo viên, cho nhà trường. Chính sự thiếu quan tâm và liên kết của gia đình, nhà trường, xã hội và sự ích kỷ, quen được nuông chiều của trẻ đã góp phần tạo “đất sống” cho bạo lực học đường.
Trước thực trạng trên, một cuộc cách mạng về sự thay đổi tỷ lệ giữa kiến thức sách vở và kiến thức thực tế là thực sự cần thiết. Đó là giảm thiểu những môn học lý thuyết thiếu thực tế, thay vào đó chú trọng bồi dưỡng thêm đạo đức, lối sống tích cực, kỹ năng sống, xây dựng môi trường học thân thiện.
Các nhà trường, gia đình cần trang bị cho học sinh ý thức bảo vệ mình và những người xung quanh, kiên quyết nói không với bạo lực học đường. Hai bên cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ để nắm bắt tình hình cũng như tâm sinh lý của học sinh một cách nhanh và chính xác nhất; từ đó áp dụng biện pháp phù hợp, hiệu quả.
Nhiều phụ huynh cho rằng, đối với những trường hợp học sinh có thái độ bất cần, thách thức, cố tình vi phạm nhiều lần thì cần có những biện pháp cứng rắn hơn để giúp các em tỉnh ngộ, tự nhận thức về việc làm của mình.
Đã đến lúc toàn xã hội, nhà trường, gia đình, các bậc cha mẹ cần nhận thức rõ hơn tầm quan trọng về sự phát triển và hình thành nhân cách của một đứa trẻ. Nhà trường và gia đình cần trở thành nơi đáng tin cậy để trẻ sẵn sàng chia sẻ, tin tưởng; từ đó, quan tâm, điều chỉnh hành vi của trẻ, giúp trẻ tránh xa những lệch lạc, hướng đến những điều tốt đẹp trong xã hội. Như vậy, nạn bạo lực học đường mới được ngăn chặn một cách triệt để, tận gốc./.