Xác định cơn bão số 4 có phạm vi ảnh hưởng rộng và diễn biến khó lường, việc di chuyển nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm tại các quận, huyện chưa triệt để, nhân dân còn chủ quan trong việc phòng, chống bão, ngày 16/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng tiếp tục phát đi Công điện khẩn yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, quận, thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố và toàn thể nhân dân tập trung phòng, chống bão theo phương châm bốn tại chỗ.
Các địa phương hướng dẫn đơn vị, người dân chằng chống nhà cửa, nhà xưởng, kho tàng, thiết bị máy móc tại các công trường đang thi công, đặc biệt là các điểm xung yếu; chằng chống cây, nhất là cây quý hiếm, mới trồng. Các lực lượng chức năng phải thực hiện di dân ở các vùng xung yếu, người dân ở trên các tàu thuyền, lồng bè, các tuyến đê vào các công trình kiên cố như trường học, Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm, thuốc và các vật dụng khác phục vụ nhu cầu tối thiểu của người dân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương tiếp tục hạ mức nước đệm trong hệ thống thủy lợi bằng mọi hình thức. Các sở, ngành liên quan thực hiện nghiêm lệnh cấm biển đến khi có thông báo của cơ quan có thẩm quyền; người dân hạn chế di chuyển người và phương tiện từ tối 16/8 đến sáng 17/8.
Cùng với đó, các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 4 trên các phương tiện thông tin, tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố; chuẩn bị tốt các điều kiện, phương tiện khắc phục thiệt hại sau khi bão tan.
Theo báo cáo của 7 Đồn Biên phòng - Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho gần 3.100 phương tiện với 11.458 lao động, 450 lồng bè với gần 1.240 lao động, 299 chòi canh với 290 lao động, đang hoạt động trên biển và neo đậu tại các bến thuộc địa bàn Biên phòng biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
[Hủy nhiều chuyến bay do ảnh hưởng bão số 4 đổ bộ vào phía Bắc]
Huyện đảo Cát Hải là nơi tập trung nhiều phương tiện tàu, thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản, đến 17 giờ ngày 16/8, huyện đã huy động 1.656 phương tiện tàu, thuyền với 5.156 lao động vào nơi tránh trú an toàn; sắp xếp neo đậu tại chỗ 425 bè nuôi trồng thủy sản và dịch vụ, di dời 29 bè nuôi thủy sản kết hợp dịch vụ du lịch tại vịnh Cát Bà vào nơi tránh bão; yêu cầu sơ tán toàn bộ ngư dân trên các chòi canh về nơi trú bão do huyện bố trí.
Trong khi đó tại Thái Bình, nhận định việc xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình và bão số 4 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Thái Bình, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đã yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành địa phương khẩn trương thực hiện nghiêm nội dung các công điện của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình: Đến 15 giờ ngày 16/8, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có tổng số 1.239 tàu, thuyền với 3.608 ngư dân của tỉnh làm ăn trên biển. Trong đó, 52 phương tiện với 257 lao động neo đậu ở các bến ngoài tỉnh; 1.185 phương tiện với 3.332 lao động neo đậu tại các bến trong tỉnh, không còn phương tiện nào hoạt động ven biển Thái Bình. Hiện còn 2 phương tiện với 19 lao động đang hoạt động trên vùng biển tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Bình; 27 phương tiện với 118 lao động ở tỉnh khác vào địa bàn tỉnh Thái Bình tránh trú bão. Hiện nay, tất cả các chủ phương tiện, người lao động nói trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm.
Tỉnh Thái Bình cũng đã di dời được 893 phương tiện với 1.907 lao động nuôi trồng thủy, hải sản ven sông, ven biển tập trung ở các huyện Thái Thuỵ, Tiền Hải, Hưng Hà, vào nơi an toàn. Di dời được 506 phương tiện với 15.249 người cần di dời ngoài đê chính vào trong đê chính; di dời được 590 phương tiện với 17.236 người sống trong nhà yếu, cần di dời đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào bờ. Các địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai công việc di dời này. Đến 16 giờ cùng ngày, toàn tỉnh đã di dời xong các lao động trên chòi ngao vào bờ.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Khai thác công trình thủy lợi Bắc và Nam Thái Bình bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ, tranh thủ mở các cống tiêu nước, đặc biệt là cống Trà Linh, cống Lân để hạ mực nước trên các trục tiêu của toàn hệ thống, kịp thời tiêu nước đệm, phòng chống úng ngập do mưa lớn và hoàn lưu sau bão.
Hai công ty trên đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo tập trung lực lượng khơi thông dòng chảy trên hệ thống kênh mương nội đồng, các sông trục và bằng mọi biện pháp tiêu nước triệt để trên mặt ruộng, các trục sông tiêu để tiêu nước đệm nội đồng, kiểm tra hoạt động các trạm bơm để sẵn sàng phục vụ tiêu úng khi có mưa lớn, gây ngập úng lúa, hoa màu và các khu vực trũng, thấp.
Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Từ đêm 16/8, vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An, sau đó bão sẽ đi sâu vào đất liền, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của bão, từ tối 16/8, trên đất liền khu vực ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An có gió mạnh dần lên cấp 6-7, từ đêm tăng lên cấp 8, giật cấp 10. Riêng các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Thanh Hóa có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11..../.