Bão số 6 và hoàn lưu sau bão gây nhiều thiệt hại tại các địa phương

Bão số 6 và hoàn lưu sau bão làm 2 ngư dân mất tích, 39 ngôi nhà và 2 trường học bị hư hỏng, tốc mái, 126ha lúa bị ngập, gãy đổ, 34ha hoa màu bị ảnh hưởng, 1 đập dâng và 1 trạm bơm bị hư hại...
Bão số 6 và hoàn lưu sau bão gây nhiều thiệt hại tại các địa phương ảnh 1Một tuyến đường ở Quảng Ngãi bị ngập sâu trong nước. (Ảnh: Lê Ngọc Phước/TTXVN)

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 24/9, bão số 6 và hoàn lưu sau bão gây nhiều thiệt hại tại các địa phương như Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận, Kom Tum, làm 39 ngôi nhà và 2 trường học bị hư hỏng, tốc mái, 126ha lúa bị ngập, gãy đổ, 34ha hoa màu bị ảnh hưởng, 1 đập dâng và 1 trạm bơm bị hư hại, 16 điểm sạt lở...

Hiện tại, sự giao thông trên các tuyến quốc lộ cơ bản thông suốt.

Đặc biệt, việc tìm kiếm 2 ngư dân bị mất tích vẫn đang được thực hiện khẩn trương và chưa có kết quả. Hai ngư dân nói trên làm việc ở tàu cá BĐ 91549TS bị tàu hàng Thái An đâm chìm vào tối 23/9 khi đang trên đường vào cảng Đề Ghi (Bình Định)

Để tiếp tục ứng phó với mưa lớn do hoàn lưu sau bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố theo dõi sát diễn biến mưa lũ sau bão, thông báo kịp thời đến người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh, đồng thời tập trung lực lượng để tích cực tìm kiếm 2 ngư dân bị mất tích.

[Tập trung tìm kiếm hai ngư dân mất tích trên biển Bình Định]

Cùng với đó, các địa phương cần kiểm tra, đánh giá thiệt hại, sửa chữa nhà ở bị hư hỏng, sớm ổn định sinh hoạt của người dân.

Các địa phương theo dõi chặt chẽ lưu lượng đến các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước để chủ động vận hành điều tiết đảm bảo an toàn công trình và hạ du; rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thấp trũng; kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm tràn, khu vực có nguy cơ ngập sâu; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông trên các trục chính.

Các địa phương cần tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai 24/24h, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục