Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng lưu giữ hàng ngàn hiện vật quý

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là bảo tàng trưng bày hiện vật Chăm lớn nhất nước, hiện lưu giữ hàng ngàn hiện vật quý của văn hóa Chămpa.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng lưu giữ hàng ngàn hiện vật quý ảnh 1Khách du lịch quốc tế tham quan Bảo tàng điêu khắc Chăm, Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là bảo tàng trưng bày hiện vật Chăm quy mô nhất Việt Nam, hiện lưu giữ hàng ngàn hiện vật quý của nền văn hóa Chămpa cổ xưa.

Trong số các hiện vật này có ba hiện vật đã được Thủ tướng chính phủ ký Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia gồm Đài thờ Mỹ Sơn E1, Đài thờ Trà Kiệu và Tượng Bồ tát Tara.

Ngoài các bộ sưu tập cũ, Bảo tàng đã bổ sung nhiều hiện vật mà giá trị nhất Tượng Bồ tát Tara và bộ sưu tập các tượng ở di tích An Mỹ (Quảng Nam) có khả năng có niên đại từ thế kỷ 6-7, từng được đưa đi trưng bày ở Pháp, Mỹ…

Gần đây, Bảo tàng lần đầu tiên tổ chức khảo cổ, nghiên cứu dưới đáy tháp Chăm ở Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) và Cấm Mít (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang). Để trưng bày các hiện vật được tìm thấy trong các đợt khai quật này, Bảo tàng sẽ mở thêm Phòng Di tích Chăm tại Đà Nẵng, dự kiến sẽ khai trương vào cuối năm nay nhằm tiến tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Bảo tàng.

Việc trưng bày các hiện vật mới này cùng với các hiện vật đã được phát hiện trước đó ở Tháp Quá Giáng, Miếu Bà Khuê Trung,… sẽ chứng minh rằng ngay trên địa bàn thành phố cũng phát hiện nhiều hiện vật Chăm giá trị.

Gần đây nhất, vào ngày 25/1, sau buổi khảo sát thực tế quần thể di tích Chăm Phong Lệ tại tổ 3, phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ), Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo sớm xây dựng Dự án khảo cổ và bảo tồn, phát huy giá trị di tích Chăm Phong Lệ.

Lãnh đạo thành phố giao Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan lập dự án khảo cổ, bảo tồn và phát huy quần thể di tích Chăm tại Phong Lệ trong mối quan hệ với những di tích lịch sử, văn hóa lân cận.

Trước hết phải đẩy nhanh tiến độ các thủ tục giải tỏa, đền bù, thu hồi đất thuộc ranh giới bảo vệ khu di tích khảo cổ Phong Lệ (trên hơn 2.600m2), theo chủ trương của thành phố đã có thông báo từ cuối tháng 3 năm nay.

Qua khảo sát thực tế, quần thể di tích Chăm Phong Lệ hiện không còn cấu trúc nguyên vẹn trên mặt đất mà tồn tại ở dạng nền móng ẩn sâu dưới nhiều tầng đất. Đây là căn cứ để nghiên cứu và hình dung về toàn bộ kiến trúc khu đền tháp Chăm-pa có niên đại hơn 1.000 năm tuổi, ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa.

Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho biết, theo sơ đồ khảo sát, có đến 7 địa điểm di tích Chăm chính tại An Sơn, Cấm Mít, Khuê Trung, Ngũ Hành Sơn, Phong Lệ, Quá Giáng và Xuân Dương cùng một số địa điểm khác có phát hiện những dấu vết ít ỏi của kiến trúc Chăm…

Tại các di tích này, chủ yếu chỉ thực hiện khai quật để nghiên cứu, sưu tầm hiện vật và sau đó hoàn thổ, trả lại mặt bằng để sử dụng vào các mục đích dân sinh, phát triển xã hội.

Hiện nay, ngành văn hóa đề xuất chọn Phong Lệ là địa chỉ duy nhất để duy trì, bảo tồn các phát lộ khai quật khảo cổ, làm cơ sở cho hoạt động tham quan, nghiên cứu về lịch sử văn hóa địa phương. Điều thuận lợi là khu khảo cổ di tích Chăm Phong Lệ gắn với nhiều di tích lân cận của các thời kỳ sau Chămpa, lại ở địa thế cảnh quan đẹp, sông nước hữu tình, thuộc làng cổ Phong Lệ và gần các làng nghề truyền thống của Đà Nẵng… Vì vậy, có thể bảo tồn, phát huy khu di tích khi xây dựng thành một điểm du lịch văn hóa-lịch sử, giới thiệu sản phẩm các làng nghề truyền thống của Đà Nẵng.

Để phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu về bảo tàng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vừa đưa vào sử dụng dịch vụ thuyết minh tai nghe đồng thời nhằm hướng đến sự đa dạng và nâng cao chất lượng hướng dẫn, giới thiệu phục vụ du khách khi đến tham quan bảo tàng.

Dịch vụ audioguide trong giai đoạn thử nghiệm sẽ hỗ trợ du khách trong việc tìm hiểu về lịch sử, địa danh, xuất xứ và thông tin của những hiện vật tiêu biểu tại 4 phòng trưng bày lớn định hình cho lộ trình tham quan của bảo tàng là Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫm.

Nội dung thuyết minh được thể hiện qua hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Du khách có thể trải nghiệm dịch vụ qua hệ thống máy phát và tai nghe do Bảo tàng cung cấp tại phòng tiếp đón với các bước đăng ký đơn giản.

Nội dung thuyết minh được thể hiện bằng 2 ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh. Việc sử dụng audioguide giúp du khách chủ động tìm hiểu về bảo tàng theo nhu cầu và sở thích, tương tác với các thiết bị công nghệ hiện đại là hệ thống máy phát và tai nghe./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục