Cao nguyên đá Đồng Văn - công trình độc đáo mà thiên nhiên ban tặng tỉnh Hà Giang - đã và đang ngày càng thu hút các du khách trong và ngoài nước. Những kiến tạo đặc trưng bao gồm hệ thống hang động, rừng đá, nhà cổ... có giá trị rất lớn với ngành du lịch Hà Giang.
Kiến tạo tuyệt vời của thiên nhiên
Các dân tộc anh em sống trên mảnh đất cao nguyên đá Đồng Văn luôn tự hào bởi được sinh sống và sở hữu một công trình kiến tạo tuyệt vời của thiên nhiên. Với tổng diện tích gần 46.000km2, trong đó có tới 70% diện tích là các dãy núi đá, rừng đá trùng điệp, cao nguyên đá Đồng Văn là một trong ba vùng đá vôi đặc sắc nhất của Việt Nam.
Sinh sống rải rác giữa các dãy núi đá vôi, rừng đá tai mèo là hơn 60.000 người thuộc 17 dân tộc. Các tập quán sinh hoạt từ làm nhà, canh tác; các lễ tục tâm linh của người dân nơi đây càng góp phần làm tôn thêm giá trị văn hóa độc đáo của vùng cao nguyên đá Đồng Văn.
Cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ của các rừng đá, vách đá và hang động nguyên sơ trải dài khắp huyện Đồng Văn nhưng tập trung chủ yếu ở các xã Tả Lủng, Tả Phìn, Sính Lủng, Sà Phìn, Lũng Táo, Sảng Tủng, Vần Chải, thị trấn Phó Bảng.
Trong số đó, độc đáo là dãy núi Dì Thằng (Ma Lé), nằm trên đường ra biên giới có độ cao gần 2.000m so với mặt nước biển. Du khách nếu đứng trên đỉnh núi sẽ thu vào tầm mắt toàn bộ cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ.
Đan xen giữa các rừng đá, vách đá là hệ thống hang động thiên nhiên tuyệt đẹp, rất thích hợp cho loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá những huyền bí của tạo hóa. Các hang động độc đáo phải kể đến động Nguyệt (thị trấn Phó Bảng) có chiều dài 774m, rộng 10m, cửa hang nằm chênh vênh trên vách đá, trong hang có buồng lớn, trần cao, vị trí cửa hang có tầm bao quát cả thị trấn Phó Bảng.
Hang Kho Chớ (Vần Chải) thì gắn với nhiều sự kiện lịch sử, đó là vào năm 1959, anh hùng Sùng Dũng Lù đã vào vận động, kêu gọi tướng phỉ Vàng Vạn Ly ra đầu thú để được hưởng khoan hồng của cách mạng.
Ngoài ra còn nhiều hang, động khác như hang Rồng (Sảng Tủng), hang Mẹ Chúa Ba (Tả Lủng), hang Sà Lủng (Lũng Táo), hang Hầm Hổ (xã Đồng Văn) vừa có giá trị tâm linh, vừa là điểm chuyển tiếp nguồn nước từ các dòng suối trên địa bàn huyện ra sông Nho Quế - dòng sông có tiềm năng rất lớn để khai thác thủy điện.
Độc đáo các di tích kiến trúc cổ
Trên cao nguyên đá Đồng Văn còn nhiều di tích rất hấp dẫn du khách như phố cổ (trung tâm huyện), khu đồn cao do thực dân Pháp xây dựng, di tích văn hóa nhà Vương (Sà Phìn), cột cờ Lũng Cú (xã Lũng Cú)...
Phố cổ Đồng Văn hiện còn hơn 40 ngôi nhà được xây dựng cách đây từ 100-300 tuổi. Trong đó, ngôi nhà được xác định lâu đời nhất là của dòng họ Lương với thời gian dựng nhà cách đây khoảng 300 năm.
Qua quá trình sử dụng và sự tàn phá của thiên nhiên, nhiều ngôi nhà cổ bị xuống cấp, các thế hệ sau nhiều lần tu sửa nên không giữ được kiến trúc nguyên bản. Kiến trúc độc đáo của nhiều ngôi nhà cổ giờ chỉ còn nhận diện được qua các bậc tam cấp, sân đá, cột trụ đá.
Những người già hiện đang sống trong các ngôi nhà cổ kể lại, Tết Nguyên Đán năm 1923, khu vực phố cổ Đồng Văn xảy ra trận hỏa hoạn lớn. Ngọn lửa đã thiêu trụi gần như toàn bộ các ngôi nhà, hàng quán lợp bằng lá tranh.
Sau đó, khu phố được quy hoạch lại, trong khoảng thời gian từ năm 1923-1940, các thợ người Tứ Xuyên (Trung Quốc) được mời sang dựng nhà, hình thành khu phố gồm nhiều ngôi nhà có niên đại khác nhau.
Cùng với phố cổ Đồng Văn, kiến trúc nhà Vương cũng tạo nên sự độc đáo, cuốn hút khách du lịch và các nhà nghiên cứu.
Nhà Vương có diện tích 1.120m2, được Vương Chính Đức chỉ đạo xây dựng phỏng theo kiến trúc đời nhà Thanh (Trung Quốc). Vật liệu chính dựng nhà Vương gồm những khối đá xanh, gỗ và ngói đất nung. Khu nhà gồm bốn nhà ngang, sáu nhà dọc 2 tầng với 64 buồng chia làm tiền dinh, trung dinh, hậu dinh. Tường xây bằng đá, trong ốp ván, cột kèo gỗ, sàn lát gỗ, mái ngói máng, có hàng hiên lợp ngói ống.
Bố cục nhà Vương được sắp xếp theo chiều cao dần gồm ba lớp từ ngoài vào trong. Xung quanh nhà là hệ thống tường bằng đá dày 60-80cm, cao 2,5-3m. Tổng thể nhà Vương là công trình kiến trúc rất tinh xảo với nhiều họa tiết hoa văn độc đáo.
Cấp thiết giữ gìn và bảo tồn danh thắng
Những công trình kiến trúc tự nhiên độc đáo trên cao nguyên đá Đồng Văn được hình thành do sự biến động của vỏ trái đất cách đây hàng triệu năm. Thế nhưng do sự chủ quan, thiếu ý thức, nhiều người đã vô tình hủy hoại những kiến tạo tuyệt vời của thiên nhiên.
Theo khảo sát sơ bộ của cơ quan chức năng huyện Đồng Văn, hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng kéo dài nhiều năm không được quy hoạch, quản lý đã xâm hại nghiêm trọng, làm biến dạng cảnh quan hầu hết các rừng đá, vách đá, hang động. Những nhũ đá đẹp ở các hang động bi đập phá, bôi bẩn, nền hang bị đào bới, cửa hang bị xáo trộn.
Bên cạnh đó, khu chợ phố cổ trải qua nhiều thế hệ quản lý, sử dụng khiến nhiều ngôi nhà có nguy cơ bị sập, đổ. Một số nhà cổ trong khu phố đã bị đập bỏ để xây dựng nhà cao tầng dẫn đến phá vỡ cảnh quan chung của khu phố cổ... Thực trạng này phản ánh những hạn chế trong việc bảo vệ, quản lý các di tích.
Nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn những tác nhân có thể phá vỡ kiến trúc của cao nguyên đá, vừa qua Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Văn đã thành lập đội Quản lý di tích-văn hóa và du lịch-dịch vụ. Đây là đội quản lý mang tính chuyên biệt, hoạt động chuyên nghiệp lần đầu tiên được ra mắt, nhằm quảng bá nét đặc sắc trong sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc, giới thiệu di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện.
Trước mắt, đội sẽ xây dựng quy chế quản lý, quy hoạch khu vực bảo vệ, phương thức bảo vệ, bảo quản di tích; đào tạo, xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách, đặc biệt tại các điểm du lịch như nhà Vương, khu phố cổ, cột cờ Lũng Cú...
Nghiên cứu của các nhà khoa học khẳng định, hầu hết các rừng đá, vách đá, hang động trên cao nguyên Đồng Văn được xếp loại A (có giá trị du lịch cao). Đây là cơ sở để xây dựng thương hiệu quốc gia và trở thành điểm dừng chân, tham quan lý tưởng của du khách trên hành trình khám phá những kiến tạo độc đáo của thiên nhiên.
Điều này chỉ có thể thực hiện được khi những giá trị của tự nhiên được bảo vệ, hạn chế sự tác động của con người để giữ nguyên nét hoang sơ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức để mỗi người dân sống trên cao nguyên đá đều trở thành người bảo tồn danh thắng nổi tiếng này./.
Kiến tạo tuyệt vời của thiên nhiên
Các dân tộc anh em sống trên mảnh đất cao nguyên đá Đồng Văn luôn tự hào bởi được sinh sống và sở hữu một công trình kiến tạo tuyệt vời của thiên nhiên. Với tổng diện tích gần 46.000km2, trong đó có tới 70% diện tích là các dãy núi đá, rừng đá trùng điệp, cao nguyên đá Đồng Văn là một trong ba vùng đá vôi đặc sắc nhất của Việt Nam.
Sinh sống rải rác giữa các dãy núi đá vôi, rừng đá tai mèo là hơn 60.000 người thuộc 17 dân tộc. Các tập quán sinh hoạt từ làm nhà, canh tác; các lễ tục tâm linh của người dân nơi đây càng góp phần làm tôn thêm giá trị văn hóa độc đáo của vùng cao nguyên đá Đồng Văn.
Cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ của các rừng đá, vách đá và hang động nguyên sơ trải dài khắp huyện Đồng Văn nhưng tập trung chủ yếu ở các xã Tả Lủng, Tả Phìn, Sính Lủng, Sà Phìn, Lũng Táo, Sảng Tủng, Vần Chải, thị trấn Phó Bảng.
Trong số đó, độc đáo là dãy núi Dì Thằng (Ma Lé), nằm trên đường ra biên giới có độ cao gần 2.000m so với mặt nước biển. Du khách nếu đứng trên đỉnh núi sẽ thu vào tầm mắt toàn bộ cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ.
Đan xen giữa các rừng đá, vách đá là hệ thống hang động thiên nhiên tuyệt đẹp, rất thích hợp cho loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá những huyền bí của tạo hóa. Các hang động độc đáo phải kể đến động Nguyệt (thị trấn Phó Bảng) có chiều dài 774m, rộng 10m, cửa hang nằm chênh vênh trên vách đá, trong hang có buồng lớn, trần cao, vị trí cửa hang có tầm bao quát cả thị trấn Phó Bảng.
Hang Kho Chớ (Vần Chải) thì gắn với nhiều sự kiện lịch sử, đó là vào năm 1959, anh hùng Sùng Dũng Lù đã vào vận động, kêu gọi tướng phỉ Vàng Vạn Ly ra đầu thú để được hưởng khoan hồng của cách mạng.
Ngoài ra còn nhiều hang, động khác như hang Rồng (Sảng Tủng), hang Mẹ Chúa Ba (Tả Lủng), hang Sà Lủng (Lũng Táo), hang Hầm Hổ (xã Đồng Văn) vừa có giá trị tâm linh, vừa là điểm chuyển tiếp nguồn nước từ các dòng suối trên địa bàn huyện ra sông Nho Quế - dòng sông có tiềm năng rất lớn để khai thác thủy điện.
Độc đáo các di tích kiến trúc cổ
Trên cao nguyên đá Đồng Văn còn nhiều di tích rất hấp dẫn du khách như phố cổ (trung tâm huyện), khu đồn cao do thực dân Pháp xây dựng, di tích văn hóa nhà Vương (Sà Phìn), cột cờ Lũng Cú (xã Lũng Cú)...
Phố cổ Đồng Văn hiện còn hơn 40 ngôi nhà được xây dựng cách đây từ 100-300 tuổi. Trong đó, ngôi nhà được xác định lâu đời nhất là của dòng họ Lương với thời gian dựng nhà cách đây khoảng 300 năm.
Qua quá trình sử dụng và sự tàn phá của thiên nhiên, nhiều ngôi nhà cổ bị xuống cấp, các thế hệ sau nhiều lần tu sửa nên không giữ được kiến trúc nguyên bản. Kiến trúc độc đáo của nhiều ngôi nhà cổ giờ chỉ còn nhận diện được qua các bậc tam cấp, sân đá, cột trụ đá.
Những người già hiện đang sống trong các ngôi nhà cổ kể lại, Tết Nguyên Đán năm 1923, khu vực phố cổ Đồng Văn xảy ra trận hỏa hoạn lớn. Ngọn lửa đã thiêu trụi gần như toàn bộ các ngôi nhà, hàng quán lợp bằng lá tranh.
Sau đó, khu phố được quy hoạch lại, trong khoảng thời gian từ năm 1923-1940, các thợ người Tứ Xuyên (Trung Quốc) được mời sang dựng nhà, hình thành khu phố gồm nhiều ngôi nhà có niên đại khác nhau.
Cùng với phố cổ Đồng Văn, kiến trúc nhà Vương cũng tạo nên sự độc đáo, cuốn hút khách du lịch và các nhà nghiên cứu.
Nhà Vương có diện tích 1.120m2, được Vương Chính Đức chỉ đạo xây dựng phỏng theo kiến trúc đời nhà Thanh (Trung Quốc). Vật liệu chính dựng nhà Vương gồm những khối đá xanh, gỗ và ngói đất nung. Khu nhà gồm bốn nhà ngang, sáu nhà dọc 2 tầng với 64 buồng chia làm tiền dinh, trung dinh, hậu dinh. Tường xây bằng đá, trong ốp ván, cột kèo gỗ, sàn lát gỗ, mái ngói máng, có hàng hiên lợp ngói ống.
Bố cục nhà Vương được sắp xếp theo chiều cao dần gồm ba lớp từ ngoài vào trong. Xung quanh nhà là hệ thống tường bằng đá dày 60-80cm, cao 2,5-3m. Tổng thể nhà Vương là công trình kiến trúc rất tinh xảo với nhiều họa tiết hoa văn độc đáo.
Cấp thiết giữ gìn và bảo tồn danh thắng
Những công trình kiến trúc tự nhiên độc đáo trên cao nguyên đá Đồng Văn được hình thành do sự biến động của vỏ trái đất cách đây hàng triệu năm. Thế nhưng do sự chủ quan, thiếu ý thức, nhiều người đã vô tình hủy hoại những kiến tạo tuyệt vời của thiên nhiên.
Theo khảo sát sơ bộ của cơ quan chức năng huyện Đồng Văn, hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng kéo dài nhiều năm không được quy hoạch, quản lý đã xâm hại nghiêm trọng, làm biến dạng cảnh quan hầu hết các rừng đá, vách đá, hang động. Những nhũ đá đẹp ở các hang động bi đập phá, bôi bẩn, nền hang bị đào bới, cửa hang bị xáo trộn.
Bên cạnh đó, khu chợ phố cổ trải qua nhiều thế hệ quản lý, sử dụng khiến nhiều ngôi nhà có nguy cơ bị sập, đổ. Một số nhà cổ trong khu phố đã bị đập bỏ để xây dựng nhà cao tầng dẫn đến phá vỡ cảnh quan chung của khu phố cổ... Thực trạng này phản ánh những hạn chế trong việc bảo vệ, quản lý các di tích.
Nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn những tác nhân có thể phá vỡ kiến trúc của cao nguyên đá, vừa qua Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Văn đã thành lập đội Quản lý di tích-văn hóa và du lịch-dịch vụ. Đây là đội quản lý mang tính chuyên biệt, hoạt động chuyên nghiệp lần đầu tiên được ra mắt, nhằm quảng bá nét đặc sắc trong sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc, giới thiệu di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện.
Trước mắt, đội sẽ xây dựng quy chế quản lý, quy hoạch khu vực bảo vệ, phương thức bảo vệ, bảo quản di tích; đào tạo, xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách, đặc biệt tại các điểm du lịch như nhà Vương, khu phố cổ, cột cờ Lũng Cú...
Nghiên cứu của các nhà khoa học khẳng định, hầu hết các rừng đá, vách đá, hang động trên cao nguyên Đồng Văn được xếp loại A (có giá trị du lịch cao). Đây là cơ sở để xây dựng thương hiệu quốc gia và trở thành điểm dừng chân, tham quan lý tưởng của du khách trên hành trình khám phá những kiến tạo độc đáo của thiên nhiên.
Điều này chỉ có thể thực hiện được khi những giá trị của tự nhiên được bảo vệ, hạn chế sự tác động của con người để giữ nguyên nét hoang sơ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức để mỗi người dân sống trên cao nguyên đá đều trở thành người bảo tồn danh thắng nổi tiếng này./.
Lê Việt Dũng (Vietnam+)