Bao đời nay, cùng với các lễ hội truyền thống, dệt thổ cẩm cũng là niềm tự hào đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Thông qua dự án “Bảo tồn và phát triển dệt thổ cẩm Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng” được Hội đồng Anh tài trợ, chị Trần Thị Bích Ngọc, một viên chức của xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đã cùng các cộng sự nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị thổ cẩm truyền thống.
Cơ hội bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống
Với mong muốn tìm kiếm cơ hội lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị cốt lõi của thổ cẩm truyền thống Bahnar, cuối năm 2021, chị Trần Thị Bích Ngọc đã đề xuất ý tưởng thực hiện Dự án “Bảo tồn và phát triển dệt thổ cẩm Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng."
Dự án đã trở thành một trong 4 đề tài của Gia Lai được Hội đồng Anh chấp thuận tài trợ, nằm trong hợp phần “Di sản văn hóa sống."
Với 19 thành viên, dự án thực hiện ba hoạt động chính gồm tư liệu hóa quy trình dệt thổ cẩm truyền thống để xây dựng giáo trình; tổ chức truyền dạy dệt thổ cẩm và phát triển sản phẩm mới dựa trên hoa văn thổ cẩm truyền thống.
“Hướng đi của dự án là làm ra những sản phẩm mẫu từ hoa văn dệt của người Bahnar; thiết kế lại trang phục truyền thống của người Bahnar tinh gọn hơn, nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống cốt lõi của trang phục," chị Trần Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
Từ đầu năm đến nay, nhà Rông truyền thống của làng Kgiang đã trở thành nơi phụ nữ trong làng tới học những bài học “vỡ lòng” của nghề dệt truyền thống. Lớp học được tổ chức bài bản, dưới sự chỉ dạy, dẫn dắt của hai nghệ nhân Đinh Thị Hiền và Đinh Thị Lăm.
Theo chị Đinh Thị Lách, làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, từ khi được hướng dẫn tận tình, các chị nắm bắt được từ kỹ thuật trồng bông, kéo sợi, nhuộm màu sợi chỉ, căng khung cho đến thực hành dệt thổ cẩm.
Bên cạnh đó, các chị còn được học cách phát triển những dải hoa văn truyền thống kết hợp với nguyên liệu công nghiệp để thiết kế những sản phẩm mới có tính ứng dụng cao hơn. Nhờ vậy, mọi người thêm hào hứng và nỗ lực hơn.
[Thầy giáo trẻ với ý tưởng phát triển thời trang thổ cẩm dân tộc Bahnar]
Nghệ nhân Đinh Thị Hiền rất vui khi có cơ hội truyền dạy cho thế hệ trẻ về nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Chị cố gắng truyền đạt hết kinh nghiệm và hướng dẫn học viên những kỹ thuật cơ bản để từ đó có thể sáng tạo, nâng cao tay nghề để làm cho thổ cẩm Bahnar đẹp và tinh tế hơn.
Các nghệ nhân còn hướng dẫn học viên kỹ thuật ứng dụng các loại sợi công nghiệp vào dệt thổ cẩm để tạo ra những trang phục mới, phù hợp với xu thế hiện đại nhưng vẫn giữ được giá trị của thổ cẩm.
Hướng đi mới cho thổ cẩm truyền thống Bahnar
Sau 5 tháng triển khai, dự án “Bảo tồn và phát triển dệt thổ cẩm Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng” đã hoàn thành, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.
Là thành viên tham gia dự án và chủ biên giáo trình “Dệt thổ cẩm Bahnar," Tiến sỹ Vũ Huyền Trang, giảng viên chuyên ngành Thiết kế -Thời trang, Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, giáo trình “Dệt thổ cẩm Bahnar” ra mắt gồm 23 bài học cơ bản và được xem là sản phẩm đầu tiên của dự án.
Từ dự án này, nhóm đã cho ra mắt 15 mẫu váy và hai mẫu áo dài cách tân dựa trên nền hoa văn thổ cẩm Bahnar truyền thống, với mức giá chỉ từ 300.000-400.000 đồng/bộ.
Cùng với đó, một số phụ kiện thời trang như dải cột tóc, dây đeo tay... được giới thiệu với hình thức, mẫu mã bắt mắt.
Các thiết kế mới sử dụng chất liệu co giãn thoải mái, phù hợp với hoạt động hàng ngày nhưng vẫn giữ nguyên được phom dáng truyền thống, họa tiết hoa văn tinh tế, màu sắc sinh động của các mảng nền thổ cẩm.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Vân, cố vấn các dự án tại Gia Lai của Hội đồng Anh, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai khẳng định, việc triển khai thành công dự án “Bảo tồn và phát triển dệt thổ cẩm Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng” hướng đến hai mục tiêu.
Đó là nghề dệt truyền thống của người Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng được bảo tồn, đưa sản phẩm thổ cẩm trở thành trang phục đồng bào có thể mặc hàng ngày.
Việc kết hợp các dải hoa văn truyền thống với những chất liệu vải thông thường có ngoài thị trường giúp hạ giá thành sản phẩm nên có thể mặc những bộ đồ thổ cẩm thường xuyên hơn.
“Bên cạnh đó, thiết kế mới với điểm nhấn là những dải họa tiết, hoa văn thổ cẩm Bahnar chính là sản phẩm của bàn tay, khối óc và tấm lòng của toàn bộ nhóm thực hiện dự án. Điều này đã có hiệu quả lớn trong việc kích thích những nghệ nhân dệt sáng tạo hơn trong công việc," Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Vân chia sẻ thêm.
Chị Trần Thị Bích Ngọc, Chủ nhiệm dự án cho biết, thời gian tới, dự án sẽ thành lập câu lạc bộ hoặc hợp tác xã dệt thổ cẩm, để tạo ra nhiều mẫu trang phục mới kết hợp hài hòa giữa giá trị văn hóa thổ cẩm Bahnar với lối sống hiện đại hôm nay.
Từ người lớn đến trẻ em đều có thể sử dụng các sản phẩm này và lan tỏa để nghề dệt thổ cẩm truyền thống phát triển lên tầm cao mới.
Đặc biệt, dự án sẽ tập trung phát triển thêm các mẫu sản phẩm phục vụ du lịch như mũ, dải cột tóc, túi xách, vòng cổ, vòng đeo tay... mang lại lợi ích kinh tế để nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dệt thổ cẩm./.