Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới

Đề tài "Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới" của các tác giả Bộ Quốc phòng là những luận cứ khoa học để tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định các chiến lược quốc gia.
Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới ảnh 1Tình huống diễn tập của tàu cảnh sát biển Việt Nam trên biển. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Sáng 19/12, Hội đồng Lý Luận Trung ương-Chương trình "Nghiên cứu lý luận chính trị giai đoạn 2011-2015" mã số KX.04/11-15 và Bộ Khoa học-Công nghệ đã tổ chức Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp nhà nước Đề tài "Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới."

Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm chủ nhiệm Đề tài, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ trì thực hiện Đề tài.

Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia là vấn đề hệ trọng, xuyên suốt mọi thời kỳ. Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế, việc giữ vững chủ quyền lãnh thổ ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển sẽ tạo môi trường thuận lợi và động lực cho quá trình phát triển đất nước.

Trước yêu cầu đó, đề tài đã tập trung nghiên cứu những nội dung lý luận và thực tiễn bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới.

Đề tài làm rõ được khái niệm: Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia; hệ thống một số quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia; cơ sở pháp lý, lịch sử bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia, kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và Việt Nam về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia. Đề tài đi sâu phân tích đánh giá thực trạng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia của Việt Nam trong 30 năm qua; phân tích đặc điểm, tình hình tác động trực tiếp đến bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia; đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, tìm ra nguyên nhân của những kết quả, hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia.

Đề tài xác định rõ mục tiêu, nội dung, yêu cầu, phương thức bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền; phân tích và dự báo những nhân tố tác động đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia của Việt Nam trong tình hình mới.

Các tác giả của Đề tài đã đề xuất 5 nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới. Đó là các nhóm giải pháp về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới; Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới; Hoàn thiện hệ thống pháp luật và ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới; Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới; Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, đấu tranh trên mặt trận lý luận về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia.

Đánh giá về kết quả Đề tài, Hội đồng nghiệm thu nhận định Đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao, là những luận cứ khoa học để tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định các chiến lược quốc gia, xử trí các tình huống chiến lược, phức tạp trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia.

Đề tài góp phần làm thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia của Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài có ý nghĩa quan trọng phục vụ việc xây dựng dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng và quá trình cụ thể hóa chủ trương của Đảng; đồng thời vận dụng các nhóm giải pháp trên trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trong tình hình mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục