Ông Trần Đăng Ninh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch Hội đồng thành viên Khu du lịch Bửu Long cho biết, thời gian gần đây, một đàn chim cổ rắn quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam đang di trú và làm tổ, sinh sản trên một cây cổ thụ thuộc đảo lớn giữa hồ Long Ẩn thuộc Khu du lịch Bửu Long.
Đơn vị đã báo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai để có phương án bảo vệ đàn chim quý hiếm trên.
Theo Khu du lịch Bửu Long, đàn chim cổ rắn thường di trú tại đây vào khoảng tháng 4, sinh sản và bay đi vào khoảng tháng 10 hằng năm.
Đàn chim cổ rắn lần đầu tiên xuất hiện tại Khu du lịch Bửu Long vào năm 2019 với khoảng 500 con. Từ sau dịch COVID-19, số lượng đàn hằng năm có giảm. Cụ thể, năm 2022 số lượng đàn chim về Khu du lịch Bửu Long còn khoảng 200 con, năm 2023 có khoảng 200 con và năm 2024 đàn còn khoảng 150 con.
Theo ghi nhận, đàn chim cổ rắn đang cư ngụ, làm tổ và sinh sản trên cây cổ thụ trên đảo lớn giữa hồ Long Ẩn có cả cá thể chim lớn (lông màu nâu điểm trắng) và các cá thể chim non.
Chim cổ rắn có tên Latin là Anhinga melanogaster thuộc họ Cổ Rắn Anhingidae, bộ Bồ Nông Pelecaniformes.
Thức ăn chính của chim cổ rắn là cá, tôm, lưỡng cư nhỏ, chúng kiếm mồi giống như những loài cốc. Chim làm tổ ở những vị trí cao nhất so với tổ của các loài khác trong cùng địa điểm.
Mùa sinh sản hằng năm từ tháng 5 đến tháng 8. Thời gian làm tổ từ 14-17 ngày; đẻ 3-4 trứng, số ngày ấp trứng từ 25-27 ngày. Đời sống của loài này thường gắn liền với môi trường nước.
Chim thường sống thành từng đôi ngay cả ngoài mùa sinh sản; có tập tính kiếm ăn cùng với các loài cốc ở những bãi bồi ngập nước ven biển. Chim cổ rắn phân bố ở các nước như Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Indomesia và Philippines...
Năm 2019, khi lần đầu tiên phát hiện đàn chim cổ rắn di cư đến khu vực trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai đã đề nghị các đơn vị liên quan có biện pháp bảo vệ.
Sở đề nghị Khu du lịch Bửu Long theo dõi, bảo vệ, hạn chế tác động đến môi trường sống, đánh giá nguồn thức ăn và có phương án bổ sung; hạn chế sử dụng các phương tiện bay (flycam) đến gần khu vực sinh sống của đàn chim.../.
Nỗ lực bảo tồn các loài chim hoang dã tại Việt Nam
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên vừa ra mắt phim ngắn có tên: "Chim trời kêu cứu" nhằm kêu gọi cộng đồng không tiêu thụ và cùng chung tay bảo vệ chim hoang dã.