Báo VietnamPlus “bội thu” Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2021

Báo VietnamPlus vinh dự được trao 7 giải, gồm 1 giải A, hai giải B, hai giải C, một giải khuyến khích và một giải chuyên đề tại Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam năm 2021.
Báo VietnamPlus “bội thu” Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2021 ảnh 1Tác giả Võ Mạnh Hùng (thứ 3 từ trái sang) cùng các tác giả đoạt giải A. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Chiều 22/4, Thông tấn xã Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ trao giải Báo chí Thông tấn xã Việt Nam năm 2022 cho 71 tác phẩm xuất sắc nhất. Báo VietnamPlus vinh dự được trao 7 giải, gồm 1 giải A, hai giải B, hai giải C, một giải khuyến khích và một giải chuyên đề.

Theo đó, tác phẩm “Giải phóng đất nông lâm trường: Đã đến lúc cần cuộc cách mạng quyết liệt hơn” của nhóm tác giả Võ Hoàng Long, Hoàng Thị Phương Trang, Võ Mạnh Hùng, Vũ Thị Bích Hằng, Phạm Thanh Trà đoạt giải A.

Hơn ba tháng vật vã với những chuyến đi vào “vùng lõi nghèo của cả nước,” đo đếm từng vạt rừng đang bị thiêu rụi bởi đói nghèo, đối chiếu hàng ngàn con số mịt mờ trên giấy tưởng như đã bị lãng quên, cho tới hàng loạt cuộc điện thoại kéo dài cả tiếng đồng hồ,... nhà báo Võ Mạnh Hùng - cây bút điều tra của Báo Điện tử VietnamPlus đã làm nên loạt bài công phu, góp phần giải quyết vấn đề “cố hữu.”

Nhà báo Võ Mạnh Hùng chia sẻ trong suốt 30 năm qua, có một loại đất vô cùng quan trọng, đã được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm và ban hành rất nhiều quyết sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng - đó là đất có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh - nguồn tư liệu sản xuất không thể thay thế của nông, lâm nghiệp và là “nồi cơm” để xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thế nhưng, thực tế đáng suy ngẫm là đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh, bấy lâu nay vẫn thường xuyên bị mua bán, chuyển nhượng dưới nhiều hình thức, khiến người nghèo vẫn hoàn nghèo do thiếu đất tư liệu sản xuất.

Với trăn trở đó, trên tinh thần ủng hộ của lãnh đạo Báo VietnamPlus, lãnh đạo phòng phóng viên, ngay từ đầu năm 2021, nhà báo Mạnh Hùng đã lên kế hoạch với đề cương cụ thể và nhanh chóng đi sâu vào thực tế, nhập vai điều tra cũng như ghi nhận ý kiến của các bên có liên quan - từ đó hiểu vì sao Nhà nước đã ban hành rất nhiều “quyết sách lớn,” đốc thúc các địa phương triển khai đổi mới nhưng rừng vẫn bị mất; đất đai liên tiếp bị lấn chiếm, tranh chấp; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thiếu đất sản xuất còn ở mức cao.

Báo VietnamPlus “bội thu” Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2021 ảnh 2Lãnh đạo Báo VietnamPlus và các tác giả đoạt giải. (Ảnh: Minh Anh/TTXVN)

“Trong loạt bài của mình, tôi đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, đề cập đến nhiều giải pháp căn cơ, kỳ vọng như hồi chuông cảnh tỉnh, lời kiến nghị, nhằm thúc giục các cơ quan chức năng liên quan, các nhà hoạch định chính sách lưu ý, sớm có điều chỉnh, để không gây lãng phí nguồn lực đất đai; cũng như giải quyết được hiệu quả vấn đề thiếu đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên cả nước trong thời gian tới,” nhà báo Võ Mạnh Hùng chia sẻ.

Giải báo chí Thông tấn xã năm nay cũng ghi nhận lần đầu tiên một sản phẩm podcast được vinh danh, đó là tác phẩm “Chùm Podcast về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” của nhóm tác giả Trần Thị Nguyệt Ánh, Nguyễn Ngọc Duy, Vũ Thị Bích Hằng, Lê Vũ Hà, Hoàng Thanh Bình, Báo điện tử VietnamPlus.

[Giải báo chí TTXVN: Khẳng định tiếng nói cơ quan Thông tấn Quốc gia]

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus cho hay bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, đã và đang là vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, mảng đề tài quan trọng này thường ít được báo chí quan tâm, hoặc phản ánh chưa đầy đủ, dẫn đến những nhận thức chưa đúng đắn về bình đẳng giới.

Báo VietnamPlus “bội thu” Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2021 ảnh 3Tác giả Trần Nguyệt Ánh đại diện nhóm tác giả nhận giải chuyên đề. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Từ ngày 15/11-15/12/2021, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp cùng các cơ quan của Liên hợp quốc phát động thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới. Chủ đề của Tháng hành động là "Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.” Để nâng cao nhận thức về Bình đẳng giới, Báo điện tử VietnamPlus đã phối hợp cùng Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam sản xuất loạt chương trình Podcast song ngữ về vấn đề ngăn chặn, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Các số Podcast là cuộc trao đổi giữa các khách mời xung quanh chủ đề này. Điều đặc biệt là các số Podcast đều được thực hiện bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Và để chương trình được lan tỏa rộng rãi hơn đến giới trẻ, Báo điện tử VietnamPlus đã chọn Podcast để thực hiện đề tài.

“Đây là hình thức thể hiện mới của báo chí thế giới, đang được đông đảo giới trẻ quan tâm, nhất là khi loại hình báo chí này phủ sóng trên các nền tảng lớn như Spotify, Apple Podcast, Google Podcast… Độc giả có thể nghe trực tiếp hoặc tải về các thiết bị thông minh để nghe được chương trình, ở mọi lúc, mọi nơi, qua đó làm nổi bật tính đa phương tiện của báo chí hiện đại. Tất cả các số Podcast đã được chúng tôi tập hợp theo hình thức Mega Story tại đường link https://special.vietnamplus.vn/2021/12/25/xoa-bo-bao-luc/,” nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật chia sẻ.

Tác giả Cao Thùy Giang đoạt giải B với tác phẩm “Những ‘chiến binh áo trắng’ gánh trên vai sứ mệnh quốc tế” và giải C với tác phẩm “Cuộc đấu trí không khoan nhượng và những giải pháp đột phá để vượt bão COVID-19.” Tác phẩm “Đa cấp tâm linh: Khi mê tín, lừa đảo khoác chiếc áo ‘Tình người” của tác giả Đỗ Minh Thu đoạt giải B.

Tác giả Phạm Thị Mai giành giải C với tác phẩm "Bóng ma" COVID-19: ‘Giải cứu’ hệ thống mầm non ngoài công lập” và giải khuyến khích với tác phẩm “Phát triển Đảng trong trường đại học: Để không rơi hạt giống đỏ.”

Năm 2020, Báo điện tử VietnamPlus cũng đoạt một giải A, hai giải C, một giải khuyến khích và một giải báo chí đa phương tiện của Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục