Thời điểm cuối học kỳ một cũng là lúc các nhà trường triển khai phong trào kế hoạch nhỏ. Tuy ra đời với mục đích tốt đẹp là giúp học sinh học tính tiết kiệm, biết yêu lao động, biết bảo vệ môi trường và biết sẻ chia, nhưng trên thực tế, theo phản ánh của nhiều phụ huynh, phong trào này đang ngày càng ít tính giáo dục.
Kế hoạch nhỏ của con, nỗi lo của bố mẹ
Vừa đến cơ quan, chị Nguyễn Thị Thủy (Long Biên, Hà Nội) vội đi tìm giấy báo cũ, bỏ vào túi nilon đặt sẵn trên mặt bàn để chiều nhớ mang về cho con gái đi nộp kế hoạch nhỏ. “Phong trào của đội nhưng phụ huynh là người thực hiện, không chỉ tôi mà rất nhiều phụ huynh khác,” chị Thủy cho hay.
Theo chị Thủy, trường quy định mỗi học sinh mang tối thiểu 2kg giấy và chỉ báo trước một ngày. Số lượng không nhiều nhưng không phải gia đình nào cũng tích trữ sẵn giấy loại trong nhà để cô vừa phát động là có ngay. Vì thế, đa phần phụ huynh phải đi kiếm giấy thay con. “Điều này khiến cho bài học giáo dục trong phong trào đã mất hẳn vì học sinh không phải là người bỏ công sức gom góp. Đáng buồn hơn nữa là cô giáo khi phát động cũng không nói đến ý nghĩa của phong trào,” chị Thủy chia sẻ.
Chị Phạm Thị Mai Lan (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho hay thời gian phát động kế hoạch nhỏ của lớp con chị còn "thần tốc" hơn nữa khi buổi sáng cô giáo nhắn tin trên nhóm Zalo của phụ huynh nhưng buổi chiều đã phải nộp ngay. “Rất may là một phụ huynh nhà gần cửa hàng đồng nát nên đã mua luôn đủ số lượng cho cả lớp. Lớp con vẫn thực hiện đầy đủ kế hoạch nhỏ nhưng không học sinh nào biết về hoạt động này. Phong trào vì thế có cũng như không,” chị Lan cho biết.
Trong khi một số nhà trường chỉ triển khai mang tính đối phó thì ở nhiều trường, hoạt động kế hoạch nhỏ lại trở thành nơi ganh đua thành tích giữa các học sinh, các lớp khi số lượng giấy vụn, vỏ lon được quy ra điểm thi đua, gắn với những danh hiệu “kiện tướng kế hoạch nhỏ”, “dũng sỹ kế hoạch nhỏ”. Vì thế, có phụ huynh “mạnh tay” xuống tiền mua hàng trăm kilôgam giấy vụn, chở ôtô đến trường nộp kế hoạch nhỏ, “mua” danh hiệu cho con.
Cần trả lại giá trị thực
Phong trào kế hoạch nhỏ do Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tổ chức toàn miền Bắc từ năm 1958, theo sáng kiến của thiếu nhi hai tỉnh Sơn Tây và Hải Phòng. Từ năm 1975, khi đất nước thống nhất, phong trào được tổ chức trên khắp các địa phương trong toàn quốc. Đây là một trong những phong trào được duy trì đều đặn và bền bỉ nhất của Đội Thiếu niên Tiền phong.
Hình thức phong trào đa dạng qua các thời kỳ và tùy theo các khu vực, vùng miền. Tuy nhiên, hình thức phổ biến nhất là quyên góp giấy vụn, vỏ chai nhựa, vỏ lon, đồ phế liệu để bán lấy tiền xây dựng quỹ đội và hỗ trợ các bạn thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Thủy cho hay với “tuổi đời” rất lâu của phong trào, những phụ huynh như chị cũng từng có cả tuổi thơ gắn với các hoạt động kế hoạch nhỏ. “Thời chúng tôi, học sinh không gom giấy vụn mà nộp bằng thóc. Đi học nửa ngày, nửa ngày đi mót thóc ngoài đồng để gom làm kế hoạch nhỏ, nghĩa là phải bằng chính những gì mình lao động mà có. Như vậy, việc cho đi mới có ý nghĩa thực sự và phong trào mới đạt được ý nghĩa như mục tiêu ban đầu,” chị Thủy nói.
[Học sinh tiểu học bán hàng handmade làm từ thiện: Học cách cho đi]
Vì thế, theo chị Thủy, khi phát động phong trào kế hoạch nhỏ, nhà trường cần giải thích kỹ với học sinh về mục đích, ý nghĩa của hoạt động này đồng thời có khoảng thời gian nhất định cho học sinh triển khai. Bên cạnh đó, hình thức cũng nên đa dạng, không nhất thiết phải là gom giấy vụn hoặc vỏ lon.
"Có thể cho học sinh quyên góp quần áo cũ mùa Đông tặng học sinh vùng cao, hoặc tặng lại sách giáo khoa cũ cho các bạn vùng khó cũng là những hoạt động ý nghĩa, giáo dục được tính tiết kiệm, san sẻ yêu thương đúng như mục tiêu phong trào kế hoạch nhỏ đề ra, đặc biệt là khi giá sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới cao gấp nhiều lần sách giáo khoa cũ," chị Thủy đề xuất.
Đây cũng là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hương (Gia Lâm, Hà Nội). Theo chị Hương, việc thực hiện kế hoạch nhỏ cần đa dạng hơn, thu hút sự tham gia thực sự của học sinh mới có thể lan tỏa trong các em giá trị giáo dục thực sự. “Các trường có thể tổ chức các hội chợ nhỏ trong khuôn viên trường để học sinh tham gia trải nghiệm bán đồ tái chế, đồ handmade… và trích một phần lãi để làm quỹ kế hoạch nhỏ. Khi đó, các con vừa có trải nghiệm mới, vừa làm quen với tiền bạc, hoạt động kinh doanh, rèn kỹ năng giao tiếp và vẫn thực hiện tốt phong trào,” chị Hương nói./.