Bất chấp lệnh cấm, nông dân vẫn bán đất sét ruộng lúa

Bất chấp lệnh cấm, nông dân vẫn ngang nhiên bán đất sét ruộng lúa

Bất chấp mọi khuyến cáo, lệnh cấm của các nhà quản lý và chuyên môn, một số nông dân ở tỉnh Trà Vinh vẫn ngang nhiên bán đất sét ở ruộng lúa cho các chủ sản xuất gạch thô.

Bất chấp mọi khuyến cáo, lệnh cấm của các nhà quản lý và chuyên môn, một số nông dân ở các xã Song Lộc, Lương Hòa, Lương Hòa A, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh vẫn ngang nhiên bán đất sét ở ruộng lúa cho các chủ sản xuất gạch thô để xuất bán đi các tỉnh trong khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long với giá từ 100-120 triệu đồng/ha.

Ông Huỳnh Quang Nhường, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Song Lộc cho biết tình trạng này xảy ra từ năm 2007, tuy xã đã phối hợp với các ngành chức năng ở huyện ngăn cản và xử lý các trường hợp vi phạm nhưng hiện vẫn còn tái diễn.

Trong số 2.455ha đất trồng lúa của xã, hiện có hơn 400ha nông dân đã bán cho các chủ làm gạch; tập trung chủ yếu ở các ấp Nê Có, Trà Uông, Láng Khoét, Trà Nóc.

Theo thỏa thuận hợp đồng mua bán, người mua phải bỏ lớp đất mặt từ 0,1-0,15m và khai thác lớp đất sét có độ sâu từ 0,4-0,45m; mỗi công (1.000m2) người mua trả cho chủ đất từ 10-12 triệu đồng (tùy loại đất).

Điều đáng nói là việc mua bán đất sét ở ruộng lúa hiện đang có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Các hộ bán đất thì biện minh rằng, ngoài tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể mà họ tích lũy cả đời làm nông chưa chắc có được, vấn đề không kém phần quan trọng là họ cải tạo được mặt bằng đất ruộng bằng phẳng nên chủ động việc tưới tiêu cho ruộng lúa. Hơn nữa, họ chỉ bán lớp đất sét, lớp đất mặt phù sa họ vẫn giữ lại nên sự phát triển cây lúa sau này sẽ không bị ảnh hưởng, năng suất vẫn đạt cao ngang bằng với các diện tích khác trong khu vực.

Trong khi đó, có một số nông dân không bán đất sét lại bức xúc cho rằng, khi lấy đất sét sâu xuống 0,4-0,5m sẽ tạo nên sự chênh lệch lớn giữa ruộng hộ bán và hộ không bán, khiến mặt bằng ruộng trong khu vực không đồng đều nên sẽ gặp khó khăn trong việc điều tiết nước tưới cho cây lúa.

Vấn đề cần quan tâm hơn là khi khai thác đất sét sẽ “đánh thức” tầng phèn đang “ngủ” trong đất nên tình trạng xì phèn sau khi khai thác đất sét ở ruộng lúa là điều khó tránh khỏi.

Ông Trần Văn Điều, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành cho biết thực hiện Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 15/11/2012 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc khai thác lớp đất mặt, cát giồng và đất sét dưới dạng cải tạo đất sản xuất nông nghiệp, Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành đã chỉ đạo các xã tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm nội dung Chỉ thị, kiên quyết xử lý đúng pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.

Huyện giao Phòng Tài nguyên-Môi trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra và đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp khai thác đất sét trái phép trên địa bàn huyện.

Theo Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Châu Thành, từ đầu năm 2013 đến nay đơn vị đã phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan đã tiến hành kiểm tra, xử lý 31 trường hợp khái thác đất sét trái phép tại các xã Song Lộc, Lương Hòa và Lương Hòa A. Qua đó, đã tịch thu nhiều phương tiện, tang vật vi phạn và xử phạt hành chính với số tiền 323 triệu đồng.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, vấn đề cốt lõi là các ngành chức năng ở huyện Châu Thành nên sớm tiến hành khảo sát, quy hoạch vùng khai thác đất sét theo định hướng phát triển chung của huyện, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa khai thác tài nguyên đất gắn với sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng.

Ngoài ra, cần thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra toàn bộ các cở sở khai thác thác đất sét trên địa bàn huyện; kiên quyết đình chỉ mọi hoạt động các cơ sở không được cấp phép và xử lý nghiêm những trường hợp khai thác sai quy hoạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục