Bất động sản công nghiệp Việt Nam vào thời kỳ 'dọn tổ đón đại bàng'

Trong bối cảnh nền kinh tế có triển vọng hồi phục sau đại dịch COVID-19, giới chuyên gia cho rằng đây là thời cơ để Việt Nam chuẩn bị tốt, trở thành điểm sáng thu hút nhiều dòng vốn đầu tư lớn.
Bất động sản công nghiệp Việt Nam vào thời kỳ 'dọn tổ đón đại bàng' ảnh 1Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Tại Diễn đàn "Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2020: Thời cơ vàng trong vận hội mới” vừa diễn ra sáng 19/6, ông Nguyễn Mạnh Hà-Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn điều chỉnh và phân khúc bất động sản công nghiệp nổi lên là một điểm sáng, tạo dựng được niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Dự báo trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, bất động sản công nghiệp sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển tốt, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế có triển vọng hồi phục sau đại dịch COVID-19, Việt Nam được xem là điểm đến an toàn của thế giới.

Đón đầu việc thu hút dòng vốn FDI

Thông tin thêm về xu hướng dịch chuyển phân khúc thị trường bất động sản trên, ông Hà cho hay năm 2019, Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển, dần trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường là nhờ định hướng của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu; xúc tiến thành lập các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm; tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây và việc sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chi phí thấp. Trong bối cảnh như trên, cùng với bất động sản nghỉ dưỡng có tiềm năng phục hồi và tăng trưởng trong trung và dài hạn, thị trường bất động sản công nghiệp nổi lên là phân khúc hấp dẫn nhất trong giai đoạn tới. 

[Đầu tư nước ngoài vào bất động sản du lịch: ''Mở'' trong tầm quản lý]

Từ những phân tích trên, ông Hà cho rằng có thể hình dung ra những bước khởi đầu và xoay chuyển theo hướng tích cực hơn của thị trường bất động sản công nghiệp. Tuy nhiên, để có thể phát triển nhanh và bền vững, nhất là đón đầu việc thu hút dòng vốn FDI chất lượng trong bối cảnh mới, khi việc dịch chuyển chuỗi cung ứng và chuyển dịch sản xuất ngày một rõ ràng hơn, cần hướng đến giải quyết một số vấn đề được đặt ra như cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần đẩy nhanh và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng nền tảng thông qua thu hút nguồn lực tư nhân và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại những công trình trọng điểm; đẩy mạnh tái cấu trúc các khu công nghiệp hiện hữu và phát triển các khu công nghiệp mới gắn với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động; rà soát quy hoạch, ưu tiên phát triển bất động sản công nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm có đủ điều kiện.

Nhìn nhận thận trọng hơn, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay và sau đại dịch COVID-19 khá bất định. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ thận trọng hơn đối với quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư hoặc thể hiện rõ nét hơn mong muốn đa dạng hóa địa điểm đầu tư.

“Việc nước ta sớm có chuyển biến trong đẩy lùi đại dịch COVID-19 có thể được nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận tích cực, không chỉ ở thời điểm mà còn ở năng lực điều hành của Chính phủ. Nếu tiếp tục duy trì những chuyển biến này, cùng với việc kịp thời xây dựng và chuyển dần sang thực hiện kế hoạch phục hồi, chúng ta sẽ có cơ hội không nhỏ để thu hút đầu tư có chất lượng,” bà Minh nhấn mạnh.

Bất động sản công nghiệp Việt Nam vào thời kỳ 'dọn tổ đón đại bàng' ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Danh Lam/TTXVN)

Cần có quỹ đất “sạch” và cải thiện hạ tầng

Để có được cơ hội trên, bà Minh cho rằng một yêu cầu quan trọng là phải cải thiện hạ tầng phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, “cơ hội vàng” từ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đòi hỏi Việt Nam phải có những hành động nhanh, đúng trọng tâm và hiệu quả hơn.

Có cùng quan điểm, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh: Chuyển dịch, tái cơ cấu là điều cần thiết. Vì thế, để nắm bắt cơ hội vàng này trong thu hút đầu tư thì cần hấp thụ được dòng vốn này. Vì thế, trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh tái cơ cấu để đa dạng hóa.

Còn theo ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát triển về số lượng và quy mô khu công nghiệp cần phải đảm bảo bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành; hình thành hệ thống khu công nghiệp nòng cốt với vai trò dẫn dắt sự phát triển các ngành công nghiệp.

[Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt]

Trên cơ sở đó, ông Trung khuyến nghị cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển khu công nghiệp; đổi mới mô hình khu công nghiệp hiện đại và phát triển một số mô hình khu công nghiệp mới theo hướng sinh thái hiệu quả cao hơn (khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp…); nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư.

Về phía địa phương, ông Phạm Minh Phương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế; Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, cho biết bất động sản công nghiệp Việt Nam đang trong thời kỳ “dọn tổ đón đại bàng.” Chính vì thế, giai đoạn này là thời cơ để Việt Nam chuẩn bị tốt, trở thành điểm sáng thu hút nhiều dòng vốn đầu tư.

Theo ông Phương, thời gian qua, bất động sản công nghiệp được đánh giá cao bởi Việt Nam đã ký được nhiều hiệp định thương mại với các đối tác lớn như EU, nhưng hiện nay quy mô của nhiều khu công nghiệp còn nhỏ. Vì vậy, để thu hút được những doanh nghiệp lớn kèm theo các doanh nghiệp phụ trợ thì chúng ta cần phải có quỹ đất sạch.

Để giải quyết được khó khăn trên, ông Phương cho rằng cần quan tâm đến các chính sách cụ thể như đối với các nhà đầu tư phải chọn được các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính để tiến hành giải phóng mặt bằng, từ đó mới có thể tận dụng được triệt để những cơ hội phát triển thị trường bất động sản./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục