Doanh nghiệp Việt Nam tạo ra trên 60% GDP của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, giá các mặt hàng chiến lược, nguyên vật liệu tăng cao tạo nên mặt bằng giá mới trong nền kinh tế đồng nghĩa với gia tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả đầu tư, làm chậm quá trình phục hồi và giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Để hiểu rõ hơn những hệ lụy của biến động giá các mặt hàng chiến lược tới doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế, phóng viên đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.
- Mặc dù nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi nhưng hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến khó khăn này?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Doanh nghiệp Việt Nam tạo ra trên 60% GDP của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống dân cư. Nhận thức rõ tầm quan trọng của khu vực doanh nghiệp, Chính phủ luôn quan tâm cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Tuy vậy, kể từ khi đại dịch COVID-19 diễn ra, kinh tế thế giới và trong nước phải đương đầu và trải qua nhiều biến cố bất định, khó lường với tần suất dày hơn khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn.
Đại dịch và bất ổn địa chính trị gây nên đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động đến doanh nghiệp trên nhiều phương diện như: tiếp cận khách hàng, dòng tiền, thuê lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng, phát sinh thêm chi phí; trì hoãn, giãn tiến độ, hủy dự án đầu tư đang hoặc sẽ thực hiện. Sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn, ngưng trệ, thậm chí dừng hoạt động dẫn tới giảm doanh thu, phát sinh rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán.
Cùng với đó, các bất cập do đại dịch gây ra chưa được khắc phục, khủng hoảng Nga-Ukraine đã làm trầm trọng hơn những biến cố, đưa kinh tế thế giới tới khủng hoảng 3 chiều: năng lượng, lương thực và tài chính.
Khủng hoảng năng lượng, cụ thể là khủng hoảng xăng dầu, khí đốt là mặt hàng chiến lược, có vai trò quan trọng trong sản xuất, tiêu dùng đối với kinh tế thế giới và với tất cả các quốc gia. Khủng hoảng 3 chiều này gây nên đình đốn, thậm chí đóng cửa của nhiều doanh nghiệp.
- Vậy, hệ lụy của bất ổn giá các mặt hàng chiến lược ảnh hưởng ra sao đối với doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Doanh nghiệp là chủ thể kinh tế quan trọng nhất, quyết định sự phát triển và thịnh vượng của đất nước. Với tác động của làn sóng đại dịch lần thứ tư, với hệ luỵ của kinh tế thế giới đã tác động vào khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
Theo điều tra xu hướng kinh doanh và tổng hợp ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đang đương đầu với 5 nhóm khó khăn. Đó là giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao; tình trạng thiếu hụt lao động; khó khăn về vốn; thiếu hụt linh kiện và các rào cản pháp lý.
Chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất và chỉ số giá dịch vụ vận tải tăng cao làm tăng chi phí sản xuất. Vì vậy, chỉ số giá sản xuất của nền kinh tế sẽ tăng trong những tháng cuối năm. Khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng 1% sẽ làm cho chỉ số giá sản xuất tăng 2,06%. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nỗ lực tiêu thụ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước, làm giảm tốc độ tăng GDP của nền kinh tế.
Đối với kinh tế Việt Nam, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, là chi phí đầu vào của hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh. Một số ngành có tỷ lệ chi phí xăng dầu trong tổng chi phí rất cao như: khai thác thủy sản 76,73%; vận tải 63,36%; khai thác than 45,18%; lâm sản 25,59%; sản xuất và phân phối điện 6,55%.
[Những yếu tố nào có thể tác động đến CPI những tháng cuối năm?]
Bên cạnh đó, xăng dầu cũng chiếm tới 1,5% trong chi tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng 10% dẫn tới lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm và GDP giảm 0,5%.
Do đó, khi giá các mặt hàng chiến lược, giá nguyên vật liệu tăng sẽ tạo nên mặt bằng giá mới trong nền kinh tế. Điều này đồng nghĩa với gia tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả đầu tư, làm chậm quá trình phục hồi và giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
- Hiện tại, thị trường tiền tệ vận hành chưa “khớp nhịp” với thị trường hàng hóa nên doanh nghiệp phải vay lẫn nhau. Xin ông cho biết những khó khăn về vốn của doanh nghiệp hiện nay?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Theo điều tra xu hướng kinh doanh, có đến 31,8% doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến chế tạo gặp khó khăn về tài chính; 48% các doanh nghiệp nợ lẫn nhau và trả nợ không đúng hạn; 21,4% doanh nghiệp vay vốn với lãi suất cao; có 4% doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn vay.
Trong tổng số trên 850.000 doanh nghiệp đang hoạt động, có tới 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với nguồn vốn duy nhất đến từ hệ thống ngân hàng.
Từ tháng 8/2022, một số ngân hàng tăng lãi suất cho vay, các doanh nghiệp phải trả thêm 1,7% khi vay tín dụng và nhiều doanh nghiệp bị chậm thanh toán. Thực trạng này phản ánh phần nào việc các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn.
Hiện sức ép tài chính đối với khu vực doanh nghiệp trong giai đoạn hậu COVID-19 là rất lớn đòi hỏi sự vào cuộc của Chính phủ nhằm khơi thông nguồn vốn cho các doanh nghiệp.
- Bên cạnh khó khăn về vốn, theo ông, hiện nay môi trường pháp lý gây những bất cập gì cho doanh nghiệp?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Chính phủ đã thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược: hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội. Tuy vậy, hệ thống luật pháp vẫn còn nhiều bất cập, môi trường đầu tư kinh doanh vẫn chưa thực sự thông thoáng, không gian cải cách còn rất lớn.
Nhiều địa phương và doanh nghiệp phản ánh tình trạng chồng chéo, xung đột của rất nhiều các quy định pháp luật. Điển hình nhất là sự chồng chéo, xung đột giữa các đạo luật với nhau, giữa luật chung và luật chuyên ngành, giữa văn bản hướng dẫn luật này và văn bản hướng dẫn luật khác.
Cụ thể khi làm thủ tục, các doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, đi lại mất nhiều thời gian, nộp nhiều loại hồ sơ giống nhau cho các cơ quan Nhà nước khác nhau. Chi phí giao dịch rất tốn kém. Trong quá trình thực thi, doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra từ các cơ quan khác nhau với cùng nội dung giống nhau.
Không chỉ các dự án luôn đối mặt với tình trạng đình trệ, phát sinh chi phí mà rủi ro nhất đối với doanh nghiệp là nguy cơ vi phạm pháp luật. Nhiều trường hợp doanh nghiệp không biết phải thực hiện theo quy định nào, thực hiện quy định này thì lại vi phạm quy định kia.
Theo điều tra xu hướng kinh doanh và tổng hợp ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, có 8,3% số doanh nghiệp điều tra đánh giá chính sách, pháp luật của Nhà nước tác động không thuận lợi tới hoạt động của doanh nghiệp; có 18,2% doanh nghiệp xây dựng nhận định hỗ trợ của hệ thống hành chính nhà nước cho doanh nghiệp khó khăn hơn.
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước có sự chồng chéo, xung đột giữa các quy định pháp luật khiến các cơ quan thực thi chính sách trở nên lúng túng, bị động khi giải quyết công việc cho doanh nghiệp. Tâm lý sợ rủi ro, sợ sai rất phổ biến trong bộ máy nhà nước từ thực trạng chồng chéo, xung đột pháp luật.
Nhìn chung, các xung đột, chồng chéo này đã hạn chế những tác động tích cực trong thực thi các đạo luật; tạo rào cản trong quá trình triển khai thực tế, phát sinh chi phí lớn và rủi ro cao đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Xung đột này đã tạo ra thực tiễn thực thi rất khác nhau giữa các địa phương.
- Vậy các giải pháp nhằm tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là gì, thưa ông?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Theo tôi, trước mắt, Chính phủ cần khẳng định và thực thi quan điểm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển; coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Từ đó, các doanh nghiệp có đủ điều kiện trong chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Chính phủ cũng khẩn trương xây dựng chính sách và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết triển khai các giải pháp dài hạn; hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng với các biến động trong tương lai. Cùng với đó, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đón đầu các xu hướng kinh doanh và thị trường mới để có thể vươn lên, bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới.
Bên cạnh đó, Chính phủ đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt khai thông gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 2%. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại phân bổ tín dụng mới được bổ sung vào những lĩnh vực phù hợp để doanh nghiệp có đủ vốn cho sản xuất và lưu thông hàng hoá của nền kinh tế.
Chính phủ có giải pháp đột phá về tín dụng cho doanh nghiệp. Bởi vốn, tài chính là tiền đề, đóng vai trò quyết định cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Việc bảo đảm nguồn vốn, tài chính cho doanh nghiệp từ nay đến cuối năm và các năm sau rất quan trọng.
Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khắc phục đứt gãy nguồn cung, đa dạng hóa đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước.
Các doanh nghiệp chủ động nắm bắt, tận dụng từng cơ hội, có các phương án thích ứng với những biến động trong tương lai; đón đầu các xu hướng kinh doanh mới; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp đặc biệt các doanh nghiệp sẵn sàng chuyển giao các kỹ thuật tiến tiến, tri thức mới, công nghệ hiện đại trên thế giới; quan tâm đến việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chế độ giữ chân người lao động, tái cấu trúc lao động để thích ứng và đón đầu các xu hướng mới của thị trường.
- Xin cảm ơn ông!./.