Theo phóng viên TTXVN tại Washington, vấn đề quyền phá thai sẽ xuất hiện trên lá phiếu tại ít nhất 9 bang của Mỹ trong cuộc bầu cử ngày 5/11 tới, trong đó có những bang chiến trường đóng vai trò quan trọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng và cuộc chiến giành quyền kiểm soát Thượng viện.
Đảng Dân chủ đã nỗ lực vận động cho quyền phá thai với hy vọng sẽ thu hút được sự ủng hộ từ các cử tri thiên tả và độc lập.
Trong số các bang mà cử tri sẽ quyết định có đảm bảo quyền phá thai hay không có Arizona và Nevada - những bang không chỉ có khả năng quyết định kết quả bầu cử tổng thống, mà còn cả các cuộc đua vào Thượng viện.
Quyền phá thai là vấn đề đã khiến đảng Cộng hòa đau đầu kể từ quyết định năm 2022 của Tòa án Tối cao Mỹ về việc xóa bỏ quyền phá thai trên toàn quốc.
Việc dư luận phản ứng gay gắt đối với phán quyết này được cho là đã làm giảm lợi thế của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, cũng như thúc đẩy thành tích của đảng Dân chủ trong các cuộc đua cấp bang ở Kentucky và Virginia vào năm ngoái.
Những bang sẽ bỏ phiếu về việc đưa quyền phá thai vào hiến pháp của bang trong kỳ bầu cử tháng 11 tới bao gồm Arizona, Florida, Nevada, Missouri, South Dakota, Nebraska, Arkansas, Montana, Colorado, New York và Maryland.
Các quan chức bầu cử của bang Arizona đã phê duyệt đề xuất bỏ phiếu để sửa đổi hiến pháp bang nhằm cho phép tiến hành phá thai đối với thai nhi dưới 23-24 tuần tuổi.
Các cuộc thăm dò cho thấy sẽ có cạnh tranh quyết liệt giữa hai ứng cử viên Kamala Harris và Donald Trump tại bang này trong kỳ bầu cử tháng 11 tới.
Cuộc đua giành ghế Thượng viện giữa đảng viên Dân chủ Ruben Gallego và đảng viên Cộng hòa Kari Lake của bang là một trong số ít cuộc đua được kỳ vọng sẽ quyết định đảng nào kiểm soát Thượng viện.
Tại bang Florida, Tòa án Tối cao của bang đã cho phép bỏ phiếu về việc sửa đổi hiến pháp bang nhằm bảo vệ quyền phá thai. Trong khi đó, bang chiến trường Nevada đã phê duyệt tổ chức trưng cầu ý dân vào tháng 11 để sửa đổi hiến pháp bang về bảo vệ quyền phá thai.
Cử tri ở Missouri và South Dakota - những bang nổi tiếng về sự bảo thủ - cũng sẽ quyết định xem có nên bổ sung quyền phá thai vào hiến pháp bang hay không trong cuộc bầu cử tới.
Còn bang Nebraska có thể phải đối mặt 2 cuộc bỏ phiếu nhằm lựa chọn bổ sung quyền phá thai hay đưa lệnh cấm hiện tại của bang - ngoại trừ các trường hợp hiếp dâm, loạn luân và đe dọa tính mạng của người mẹ - vào hiến pháp.
Ngoài ra, các bang Montana và Colorado cũng sẽ bỏ phiếu để bổ sung các biện pháp bảo vệ quyền phá thai vào hiến pháp của tiểu bang.
Các nhà lập pháp ở hai tiểu bang khác đã chấp thuận các sửa đổi liên quan đến phá thai trong kỳ bầu cử vào tháng 11 tới là New York và Maryland. Hai bang này sẽ trưng cầu ý dân để sửa đổi hiến pháp bang, nhằm bổ sung nhiều biện pháp bảo vệ quyền phá thai hơn./.
Bầu cử Mỹ 2024: Bà Harris gây quỹ gấp 4 lần ông Trump trong tháng 7
Trong báo cáo gửi tới Ủy ban Bầu cử Liên bang ngày 20/8, nhóm gây quỹ cho bà Harris thông báo đã có thêm 204 triệu USD trong tháng Bảy. Trong khi đó, khoản tiền này ở phía ông Trump là 48 triệu USD.