Bầu cử quốc hội Hà Lan: Khó lường trong giai đoạn nước rút

Trong khi đang phải đối mặt với vấn đề di cư, sự trỗi dậy của phe cực hữu, chiến dịch tranh cử tại Hà Lan lại chịu thêm áp lực từ các động thái căng thẳng mới đây trong quan hệ Hà Lan-Thổ Nhĩ Kỳ.
Bầu cử quốc hội Hà Lan: Khó lường trong giai đoạn nước rút ảnh 1Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (phải) gặp gỡ cử tri trong cuộc vận động tranh cử tại Wormerveer ngày 25/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cuộc bầu cử hạ viện tại Hà Lan đã bước vào giai đoạn nước rút khi các ứng cử viên đang đi lại như con thoi để thuyết phục những cử tri cuối cùng chưa có quyết định rõ ràng trước ngày bầu cử 15/3 tới.

Trong khi đang phải đối mặt với vấn đề di cư, sự trỗi dậy của phe cực hữu, chiến dịch tranh cử tại Hà Lan lại chịu thêm áp lực từ các động thái căng thẳng mới đây trong quan hệ Hà Lan-Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, quan hệ Hà Lan-Thổ Nhĩ Kỳ "dậy sóng" ngày 11/3 khi Hà Lan từ chối cho phép Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bay đến thành phố Rotterdam để vận động cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại đây ủng hộ kế hoạch cải cách hiến pháp nhằm tăng quyền hạn cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Động thái của Hà Lan đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ cùng những biện pháp mang tính đáp trả từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 12/3, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte khẳng định không xin lỗi Ankara, tuyên bố phải tính đến lợi ích của Hà Lan và giữ cho đất nước được an toàn và ổn định.

Thái độ kiên quyết của Thủ tướng Rutte trong sự cố ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được sự ủng hộ của dư luận Hà Lan, trong bối cảnh ông đang là ứng cử viên cho chức thủ tướng nhiệm kỳ thứ 3 của đất nước 17 triệu dân này.

Trong một tuyên bố mới đây, ông Rutte khẳng định sẽ chiến đấu mạnh mẽ để đẩy lùi ứng cử viên cực hữu Geert Wilders và giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lần này.

Tuy nhiên, vị Thủ tướng sắp mãn nhiệm cũng lưu ý đến cuộc trưng cầu dân ý về Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU) cũng như kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, nếu cử tri vẫn chủ quan cho rằng đảng "Vì tự do" (PVV) do nghị sỹ Geert Wilders đứng đầu không thể thắng cử.

Ông cảnh báo không thể loại trừ khả năng ứng cử viên Wilders có thể giành được chiến thắng lần này.

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của 6 cuộc điều tra độc lập được trang web Peilingwijzer công bố ngày 12/3, đảng "Những người vì tự do và dân chủ" (VVD) của Thủ tướng Rutte đang vươn lên dẫn đầu với 16% số phiếu bầu, tương đương khoảng 23-27 ghế trên tổng số 150 ghế hạ viện.

Tuy nhiên, con số này kém xa so với 40 ghế mà đảng VVD đang có hiện nay. Đáng chú ý, Thủ tướng Rutte đã có động thái lôi kéo các cử tri vốn đang ủng hộ PVV khi đưa ra tuyên bố kêu gọi người nhập cư tôn trọng những giá trị Hà Lan.

Mặc dù vượt lên nhanh chóng thời gian qua khi làn sóng chống người di cư tăng mạnh tại châu Âu, đảng PVV của ông Wilders đang mất dần sự ủng hộ khi số liệu thăm dò cho thấy họ chỉ còn 13% số cử tri ủng hộ và dự kiến giành khoảng 19-23 ghế.

Nổi tiếng với tư tưởng chống Hồi giáo, ông Wilders đã từng tuyên bố nếu trở thành thủ tướng sẽ thi hành chính sách cấm cửa biên giới với người Hồi giáo, cấm bán kinh Koran và đóng cửa các đền thờ Hồi giáo.

Kết quả thăm dò cũng cho thấy, đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDA) và đảng Dân chủ cấp tiến D66 có thể sẽ giành được 18-20 ghế cho mỗi đảng.

Cuộc bầu cử tại Hà Lan hiện được giới quan sát theo dõi chặt chẽ, cũng như các cuộc bầu cử sẽ diễn ra sau đó tại Pháp và Đức, trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với làn sóng hoài nghi, phản đối nhập cư và sự kiện nước Anh rời khỏi EU.

Với tổng cộng 28 đảng tham gia tranh cử và 12,9 triệu cử tri, cuộc bầu cử tại Hà Lan đứng trước nguy cơ phân tán cao và việc thành lập chính phủ mới có thể phải mất hàng tháng khi nhiều đảng đã bày tỏ sẽ từ chối liên kết với đảng PVV của ông Wilders.

Kết quả cuộc bầu cử ngày 15/3 rất dễ dẫn đến những cuộc mặc cả trong đó các đảng nhỏ có thể đóng vai trò quyết định trong việc hình thành chính phủ mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục