BCH Đảng bộ thành phố Hà Nội cho ý kiến về 3 nội dung quan trọng

Ngày 2/11, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lần thứ 9 để bàn, cho ý kiến vào 3 nội dung quan trọng của thành phố.
BCH Đảng bộ thành phố Hà Nội cho ý kiến về 3 nội dung quan trọng ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 2/11, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lần thứ 9 để bàn, cho ý kiến vào 3 nội dung quan trọng của thành phố.

Ba nội dung trên gồm: Báo cáo về tình hình nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); báo cáo về công tác tiêu thoát nước, giải pháp chống úng ngập trên địa bàn thành phố; và dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã chia thành 4 tổ thảo luận về 3 nội dung quan trọng trên.

Đề cập đến công tác tiêu thoát nước, giải pháp chống úng ngập trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khiến Hà Nội ngập cục bộ mỗi khi có mưa lớn trong nhiều năm gần đây. Úng ngập cục bộ là vấn đề nóng ở Thủ đô, theo Bí thư Thành ủy, tình trạng này không chỉ xảy ra ở khu vực chưa được đầu tư hệ thống thoát nước bị ngập, mà cả khu vực đô thị cũ - nơi đã được đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước hay các khu đô thị mới được đầu tư hiện đại cũng bị ngập...

Trong khi đó, các giải pháp, biện pháp mà các đơn vị trên địa bàn thành phố đang thực hiện mỗi khi xảy ra úng ngập chỉ là biện pháp tạm thời nhằm giải quyết tình huống, chưa phải các biện pháp căn cơ, có tính bền vững, lâu dài.

[Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội xem xét nhiều vấn đề quan trọng] 

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá kỹ thực trạng các điểm thường xuyên xảy ra úng ngập trên địa bàn; sự phù hợp của quy hoạch hệ thống thủy lợi và quy hoạch thoát nước đô thị của thành phố đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Đối với dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bí thư Thành ủy khẳng định Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bí thư Thành ủy cho biết với thủ đô Hà Nội, tại Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đã xác định "thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế gắn với dịch chuyển cơ cấu lao động" là một trong những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII xác định "đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; đến năm 2030 Hà Nội trở thành thành phố "Xanh-Thông minh-Hiện đại."

Để thực hiện mục tiêu trên, Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban Cán sự đảng Ủy ban Nhân dân thành phố nghiên cứu, tham mưu, xây dựng Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

BCH Đảng bộ thành phố Hà Nội cho ý kiến về 3 nội dung quan trọng ảnh 2Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu bế mạc hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Nhấn mạnh nội dung trình Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần này là những nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng để hoàn thiện các Báo cáo, Dự thảo Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành và xem xét, quyết định.

Trình bày Báo cáo về tình hình nghiên cứu, đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Lê Hồng Sơn cho biết tại Báo cáo số 65/BC-UBND ngày 1/3/2022, Ủy ban Nhân dân thành phố đã đề xuất cụ thể 16 nội dung xem xét lập chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đến nay, trên cơ sở tiếp thu ý kiến tại các hội nghị, hội thảo xin ý kiến do Bộ Tư pháp tổ chức và qua các đợt khảo sát, trao đổi kinh nghiệm tại một số tỉnh, Ban Cán sự đảng Ủy ban Nhân dân thành phố đã rà soát, tổng hợp, hoàn thiện và kết cấu lại thành 9 nhóm chính sách lớn trong hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Chín nhóm đó là “Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;” “Thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô;” “Nâng cao năng lực tài chính-ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô;” “Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô;” “Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh;” “Phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô;” “Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo;” “Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững;” “Liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế-xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.”

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố, việc thống nhất ý kiến về các nội dung trên tại hội nghị sẽ giúp tiếp tục hoàn thiện thêm một bước nữa các chính sách trong Luật Thủ đô (sửa đổi) trước khi Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục