Bệnh lao gây gánh nặng về kinh tế, xã hội ở châu Âu

Tại châu Âu, bệnh lao được ví như một "quả bom hẹn giờ trị giá nhiều tỉ euro" do châu lục này đang phải tăng kinh phí để kiểm soát bệnh.

Một nghiên cứu gần đầy cho thấy châu Âu đang phải đối mặt với bệnh lao, và căn bệnh này bị ví như một "quả bom hẹn giờ trị giá nhiều tỉ euro" do châu lục này phải tăng kinh phí để kiểm soát, nhất là khi các biến thể kháng thuốc của bệnh lao phổi lan rộng.

Thường được xem là một căn bệnh của quá khứ hoặc tồn tại trong những cộng đồng tách biệt, nhưng trên thực tế hiện nay, mỗi năm bệnh lao trực tiếp gây thiệt hại khoảng hơn 500 triệu euro và gián tiếp 5,3 tỉ euro do làm mất khả năng lao động của người bệnh.

Mức độ thiệt hại về kinh tế này cao hơn nhiều so với chi phí đầu tư vào các dự án nghiên cứu nhằm tìm ra các loại thuốc để điều trị và vắcxin để phòng ngừa bệnh lao hiệu quả hơn.

Trong công trình nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học do Giáo sư kinh tế học người Đức Roland Diel, thuộc Đại học Y Schleswig-Holstein ở Kiel, Đức dẫn đầu, công bố trên trang mạng của tạp chí "The European Respiratory", các nhà nghiên cứu đã sử dụng những đánh giá có tính hệ thống của các tổ chức tại 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) để tính toán chi phí điều trị bệnh lao năm 2011.

Các nhà nghiên cứu chia ra hai nhóm nước dựa trên tỉ lệ GPD/đầu người. Kết quả cho thấy tại nhóm các nước EU cũ và Síp, Manta, Slovenia, chi phí trực tiếp để điều trị một ca lao phổi thông thường là 10.282 euro (tương đương 13.600 USD), đối với trường hợp kháng nhiều loại thuốc là hơn 57.200 euro, và hơn 170.700 euro đối với trường hợp kháng thuốc diện rộng.

Tại nhóm các nước còn lại, chi phí điều trị bệnh nhân lao thông thường là 3.427 euro và khoảng 24.100 euro đối với các trường hợp kháng thuốc. Tổng chi phí điều trị các ca bệnh lao năm 2011 lên tới 536,89 triệu euro (khoảng 712,26 triệu USD).

Ngoài chi phí trực tiếp để điều trị bệnh lao, nghiên cứu do nhóm của Giáo sư Diel tiến hành cũng tính toán mức độ thiệt hại về tài chính do bệnh lao làm mất khả năng lao động của người bệnh.

Sử dụng phương pháp DALYs - phương pháp đánh giá mức độ thiệt hại do bệnh tật gây ra dựa trên việc tính toán số năm mất khả năng lao động của người bệnh do sức khỏe yếu, tàn tật hay chết sớm.

Nghiên cứu cho thấy tổng số năm lao động bị thiệt hại do bệnh lao gây ra trong năm 2011 là 103.104 năm, quy ra tiền là 5,3 tỉ euro.

Ông Diel cho biết kết quả này thực sự làm ông choáng váng. Ông nói: "Mọi người thường nghĩ rằng ở phần lớn các nước châu Âu, bệnh lao không thực sự gây thiệt hại lớn so với các căn bệnh khác. Nhưng trên thực tế, mức độ thiệt hại là rất lớn, tới hàng tỉ euro và trước đây chưa ai nhận ra điều này."

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu thúc giục chính phủ các nước và ngành công nghiệp dược phẩm châu Âu cần nhanh chóng tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu điều trị bệnh lao.

Giáo sư Diel khẳng định: "Việc nghiên cứu để tìm ra các loại thuốc và vắcxin mới là rất tốn kém. Tuy nhiên, nếu cân nhắc đến những thiệt hại do bệnh lao gây ra, thì chi phí này là cần thiết".

Ông Diel cũng cho biết việc điều trị bệnh lao, kể cả đối với dạng bệnh lao thông thường, là một quá trình lâu dài. Người bệnh cần sử dụng hỗn hợp nhiều loại thuốc kháng sinh trong vòng 6 tháng.

Tình trạng nhiều người bệnh không hoàn tất quy trình điều trị cùng với việc lạm dụng thuốc kháng sinh đã dẫn tới sự xuất hiện các thể lao kháng nhiều loại thuốc (MDR-TB) và kháng thuốc trên diện rộng (XDR-TB).

Hiện tại, các trường hợp bệnh lao kháng thuốc mới chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng số khoảng 70.000 ca mỗi năm, nhưng có thể sẽ tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới, kéo theo chi phí điều trị cũng tăng theo. Và ông Diel kết luận: "Các trường hợp bệnh lao kháng thuốc thực sự là một quả bom hẹn giờ."

Sự xuất hiện các biến thể của bệnh lao chưa có khả năng điều trị, thậm chí khi đã sử dụng các loại thuốc mạnh nhất đã khiến căn bệnh này trở thành một trong những vấn đề sức khỏe cấp thiết có tính toàn cầu.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2011 trên thế giới có 8,7 triệu người nhiễm lao, trong đó 1,4 triệu người đã tử vong. Một tổ chức y tế có trụ sở ở Geneva, Thụy Sỹ) cũng dự báo rằng đến năm 2015, trên thế giới sẽ có khoảng 2 triệu người có các triệu chứng kháng thuốc đối với căn bệnh này.

Đối với khu vực châu Âu, bệnh lao đang thực sự là một gánh nặng lớn cả về kinh tế và xã hội, và "đã đến lúc, các chuyên gia sức khỏe và các nhà xây dựng chính sách cần phải nhận thức được điều này" - Chủ tịch Hiệp hội các nhà khoa học chuyên khoa hô hấp của châu Âu Francesco Blasi khẳng định./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục