Ngày 21/12, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo tập đoàn xây dựng hàng đầu Brazil Odebrecht đã chấp nhận trả 3,5 tỷ USD tiền phạt vì tội đưa hối lộ cho các quan chức và chính trị gia Mỹ, Thụy Sĩ và Brazil.
Odebrecht đã đồng ý trả khoản tiền phạt ít nhất 2,6 tỷ USD và công ty con của tập đoàn này là Braskem phải trả 957 triệu USD, vì đã đưa hối lộ.
Nhà chức trách Mỹ khẳng định đây là vụ tham nhũng lớn nhất mà cơ quan tư pháp nước này thụ lý có liên quan tới một công ty nước ngoài và cũng là số tiền phạt kỷ lục về hành vi trên.
Trong thông cáo ra cùng ngày, Bộ Tư pháp Mỹ nhấn mạnh Odebrecht “điều hành một mạng lưới đưa hối lộ khổng lồ, có một không hai, trong suốt một thập kỷ để giành những hợp đồng trong quá trình đấu thầu các dự án."
Odebrecht và Braskem đều phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán New York, đã sử dụng hệ thống tài chính và ngân hàng Mỹ để trả số tiền hối lộ lên tới hàng trăm triệu USD.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Sung-hee Suh khẳng định Odebrecht và Braskem đã thành lập một bộ phận chuyên phục vụ các hành vi hối lộ, chi trả thường xuyên cho các quan chức ở nhiều nước trên thế giới, đồng thời bày tỏ mong muốn Brazil tiếp tục là một đồng minh quan trọng của Nhà Trắng trong cuộc chiến chống tham nhũng. Các cơ quan chức năng Mỹ cho rằng Odebrecht vẫn sẽ phải tiếp tục hợp tác để điều tra vụ việc.
Trước đó, số tiền dự kiến Odebrecht phải trả lên tới 4,5 tỷ USD. Tuy nhiên, tập đoàn này cho biết chỉ có khả năng nộp phạt 2,6 tỷ USD. Mỹ sẽ nhận được 10% trong số tiền bồi thường, bằng với mức của Thụy Sĩ, trong khi 80% còn lại là của Brazil. Theo cáo trạng của cơ quan tư pháp Mỹ, từ năm 2001, Odebrecht đã hối lộ 788 triệu USD cho hàng trăm quan chức và chính trị gia của nhiều nước Mỹ Latinh, châu Phi và châu Âu.
Odebrecht là tâm điểm của vụ bê bối khổng lồ ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil Petrobras, gây chấn động chính trường nước Nam Mỹ từ tháng 3/2014. Hơn 100 cá nhân chính thức bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu nước này.
Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sỹ và thống đốc bang, nằm trong diện bị điều tra. Theo cảnh sát, đường dây này đã dùng khoảng 4 tỷ USD hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức lãnh đạo Petrobras.
Vụ việc đã ảnh hưởng đáng kể tới uy tín của cựu Tổng thống Dilma Rousseff khiến bà này bị mất chức mặc dù không nhận hối lộ, cựu Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha cũng chịu chung số phận với cáo buộc nhận hối lộ.
Đương kim Chủ tịch Thượng viện Renan Calheiros và Tổng thống Michel Temer cũng bị tố cáo có liên quan tới vụ tham ô này./.