11 nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam, đều đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người ít nhất là 5% trong quãng thời gian 20 năm, từ 1996 đến 2016.
Chìa khóa cho các nền kinh tế mới nổi sẽ là chớp lấy những cơ hội trước mắt. Chẳng hạn, khi Trung Quốc chuyển từ sản xuất chi phí thấp sang sản xuất cần nhiều tri thức, điều này sẽ tạo không gian cho các nước có thu nhập thấp như Bangladesh và Việt Nam mở rộng các lĩnh vực sản xuất của họ, ví dụ như dệt may.
Hai chuyên gia Anu Madgavkar và Jeongmin Seong thuộc Viện McKensey Toàn cầu đưa ra nhận định như vậy trong bài viết 'Những quốc gia thành đạt trong thế giới mới nổi."
Bản dịch bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate. Quan điểm trong bài là của tác giả.
Sau đây là nội dung bài viết:
Những nền kinh tế mới nổi thường tập trung lại giống như một khối thống nhất. Tuy nhiên, trong lĩnh vực kinh tế, những nền kinh tế này lại hết sức đa dạng, với việc chỉ có một vài quốc gia đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và tương đối bền vững trong những khoảng thời gian dài. Vậy bí mật của những nền kinh tế này là gì?
Trong nghiên cứu gần đây của Viện McKinsey Toàn cầu về tăng trưởng GDP theo đầu người của 71 nền kinh tế mới nổi, có 18 nền kinh tế nổi bật hẳn lên.
Tại 7 nền kinh tế trong số này - Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, và Thái Lan - GDP bình quân đầu người tăng ít nhất 3,5% hằng năm trong khoảng thời gian nửa thế kỷ từ năm 1965 đến 2016.
11 nền kinh tế còn lại có vẻ ít được chú ý hơn, do GDP bình quân đầu người chỉ mới bắt đầu tăng tốc trong thời gian gần đây. Tuy vậy, tất cả các nước Azerbaijan, Belarus, Campuchia, Ethiopia, Ấn Độ, Kazakhstan, Lào, Myanmar, Turkmenistan, Uzbekistan, và Việt Nam đều đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người ít nhất là 5% trong quãng thời gian 20 năm, từ 1996 đến 2016.
[WB: Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 6,8% trong năm nay]
Các chuyên gia kinh tế về phát triển từ lâu đã tìm cách nhận dạng thứ "nước sốt bí truyền" - thứ làm cho một số nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng bền vững và mạnh mẽ hơn các bạn bè ngang hàng của họ. Việc xem xét những điểm chung của 18 nền kinh tế này có thể giúp đem lại một cái nhìn toàn diện về công thức giúp thành đạt đó là gì.
Từ góc nhìn về chính sách, tất cả 18 nền kinh tế này trong danh sách của chúng tôi đều theo đuổi những chính sách hướng về tăng trưởng, theo đó khuyến khích một vòng tròn phát triển theo chiều thuận nhằm vào tăng năng suất, thu nhập, và nhu cầu.
Chẳng hạn, những chương trình nghị sự của họ bao gồm những bước đi nhằm gia tăng tích lũy vốn, như thông qua việc buộc phải tiết kiệm cho nghỉ hưu; những nỗ lực gia tăng tính hiệu quả của chính phủ; và những biện pháp khuyến khích những động lực mang tính cạnh tranh hơn ở thị trường trong nước.
Điều này giúp làm nổi lên một thế hệ những công ty lớn có chức năng như những động lực hùng mạnh cho tăng trưởng GDP. Và quả thực, 18 nền kinh tế mới nổi vượt trội này có số lượng công ty có sức cạnh tranh, được niêm yết công khai với thu nhập hàng năm khoảng 500 triệu USD trở lên nhiều gấp đôi so với các nước đang phát triển khác (sau khi đã được điều chỉnh theo quy mô nền kinh tế).
Ở những quốc gia này, tỷ lệ thu nhập trên GDP tăng gần gấp 3 lần chỉ trong 20 năm, từ mức 22% của năm 1995 lên 64% vào năm 2016 - cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ ở các nền kinh tế mới nổi khác, và tiến gần đến mức của các quốc gia có mức thu nhập cao. Cũng trong quãng thời gian trên, đóng góp giá trị gia tăng cho GDP cũng tăng mạnh, từ 11% lên 27%.
Những ví dụ về các công ty hết sức thành công của nền kinh tế mới nổi này bao gồm các công ty khổng lồ của Trung Quốc như Alibaba và Tencent.
Những công ty khổng lồ địa phương như M-Pesa, công ty dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng điện thoại di động khởi nghiệp tại Kenya, đã phát triển lan rộng khắp khu vực Bắc Phi, và công ty Go-Jek, một công ty chuyên về dịch vụ xe ôm và hậu cần của Indonesia, hiện đang mở rộng hoạt động sang Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Trái với nhận thức phổ biến, những công ty này đã thành công trong một môi trường hết sức cạnh tranh, tại đó để trở thành người đứng đầu là hết sức khó khăn, và để giữ vững vị trí đó thậm chí còn khó khăn hơn nhiều.
Trong 18 nền kinh tế mới nổi đang rất thành công này, chỉ có 45% công ty nằm trong top 5 đứng đầu lên quan đến việc tạo lợi nhuận trong giai đoạn 2001-2005 là tiếp tục giữ vững vị trí một thập niên sau đó trong giai đoạn 2011-2015.
Cũng trong giai đoạn trên, ở các nền kinh tế có thu nhập cao, 62% số công ty nằm trong tốp nói trên đã tìm được cách duy trì được vị thế của họ.
Từ 1995 đến 2016, những công ty lớn, được niêm yết công khai ở những nền kinh tế mới nổi tăng trưởng nhanh chóng, đã gia tăng thu nhập hằng năm của họ nhanh hơn từ 2 đến 5 điểm so với các công ty ở các nền kinh tế mới nổi có thu nhập cao khác.
Từ 2005 đến 2016, những nền kinh tế này đã đóng góp khoảng 40% tổng doanh thu hợp nhất và tăng trưởng về thu nhập của tất cả các công ty lớn toàn cầu, cho dù họ chỉ chiếm khoảng 25% tổng doanh thu và thu nhập trong năm 2016. Hơn 120 công ty trong số những công ty này đã gia nhập danh sách 500 công ty hàng đầu thế giới (Fortune Global 500) kể từ năm 2000.
Những công ty trong nền kinh tế mới nổi thành công nhất - những công ty hướng vào xuất khẩu - không chỉ hỗ trợ tăng trưởng, mà còn giúp khuyến khích tiến bộ trong môi trường kinh doanh.
Ngoài ra, những công ty này còn tiếp nhiên liệu cho việc thành đạt năng suất lao động thông qua việc đầu tư vào tài sản, nghiên cứu và phát triển, và đào tạo công ăn việc làm với tỷ lệ cao hơn so với các công ty nhỏ và vừa, mặc dù các công ty nhỏ và vừa cũng là những thành phần thiết yếu của các hệ sinh thái kinh doanh của các quốc gia thành công.
Câu hỏi hiện tại là liệu các nền kinh tế mới nổi thành công có thể duy trì được đà tăng trưởng nhanh chóng và bền vững không, và liệu các quốc gia tương tự có thể noi theo thành công của họ được không. Do những thay đổi đối với môi trường kinh tế, có thể thấy thách thức trước mắt chắc chắn là khủng khiếp.
Trước hết, một hiện tượng được biết đến như là quá trình phi công nghiệp hóa vội vàng có vẻ đang diễn ra, với việc mức tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất ở các nước đang phát triển đạt những mức thu nhập thấp hơn rất nhiều so với quá khứ.
Hơn nữa, các nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước thách thức của tự động hóa - một quá trình sẽ càng ngày càng tăng tốc. Các hình thức thương mại cũng đang thay đổi.
Tuy nhiên, không được đánh giá thấp tiềm năng của các nền kinh tế mới nổi. Nếu 53 nền kinh tế mới nổi khác mà chúng ta nhận thấy đạt được tốc độ tăng trưởng về năng suất của 18 nền kinh tế thành công kia, thì nền kinh tế toàn cầu sẽ giàu thêm 11.000 tỷ USD vào năm 2030 - tương đương với việc có thêm một nền kinh tế Trung Quốc khác.
Chìa khóa cho các nền kinh tế mới nổi sẽ là chớp lấy những cơ hội trước mắt. Chẳng hạn, khi Trung Quốc chuyển từ sản xuất chi phí thấp sang sản xuất cần nhiều tri thức, điều này sẽ tạo không gian cho các nước có thu nhập thấp như Bangladesh và Việt Nam mở rộng các lĩnh vực sản xuất của họ, chẳng hạn như dệt may.
Trong 15 năm qua, các nền kinh tế mới nổi đã chiếm khoảng 2/3 tăng trưởng GDP toàn cầu. Xu hướng này có khả năng sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nếu các quốc gia thực hiện các chính sách thông minh, dựa trên các bài học từ các đồng nghiệp năng động nhất của họ, một quá trình trăng trưởng mạnh mẽ và bền vững có thể trở thành hiện thực trong toàn bộ thế giới mới nổi./.