Tại hội nghị để xây dựng thương hiệu ca cao Việt Nam độc đáo trên thị trường thế giới diễn ra chiều ngày 18/11, ông Paul Jansen-Đại sứ Bỉ tại Việt Nam khẳng định: Bỉ là quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lực sản xuất cũng như chất lượng của sô cô la và cacao chính là nguyên liệu quan trọng nhất. Trong khi đó, Việt Nam lại sở hữu một loại ca cao rất độc đáo, có hương vị trái cây và chua nhẹ rất khó tìm.
“Đây chính là yếu tố có thể giúp cacao Việt Nam trở thành một sản phẩm độc đáo, chiếm lĩnh được một thị trường ngách thú vị trên thế giới. Với những tiềm năng như vậy, điều cần làm hiện nay là khai thác thế nào cho hiệu quả. Bỉ sẵn sàng hỗ trợ, tạo liên kết cho loại quả này của Việt Nam trên cơ sở 2 nước đã là đối tác chiến lược về nông nghiệp.” Đại sứ Bỉ tại Việt Nam chia sẻ.
Tuy nhiên, hiện nay việc nâng cao giá trị kinh tế của cây cacao tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Theo đại diện Cục Trồng trọt-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khó khăn đối với cacao Việt Nam hiện nay ngoài diện tích nhỏ, đa số là xen canh còn nằm ở khâu sơ chế và chế biến thành sô cô la. Do đó, nếu các nhà đầu tư nước ngoài muốn phát triển ngành cacao ở Việt Nam sẽ gặp khó khăn về vấn đề vùng nguyên liệu tập trung.
[Xúc tiến thành lập nhóm hợp tác trong sản xuất và chế biến cacao]
Đồng quan điểm, ông Trương Ngọc Quang-Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn cacao Nam Trường Sơn, cho rằng việc diện tích cacao rải rác khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình thu mua. Chưa kể, các công ty cạnh tranh, nâng giá gây nên tình trạng một số liên kết với nông dân bị đổ vỡ. Vì thế, cơ quan quản lý cần đưa ra được quy hoạch phù hợp cho cây cacao. Bên cạnh đó, cần có cơ chế trong liên kết và xây dựng chính sách giá phù hợp giữa doanh nghiệp với nông dân.
Ngoài ra, ông Quang cũng hy vọng qua hội nghị này có thể vừa tìm được đầu mối thu mua cacao từ Bỉ vừa tìm được đối tác chuyển giao kỹ thuật, công nghệ từ cường quốc sản xuất sô cô la này, giúp cải thiện khả năng chế biến cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Cacao Việt Nam được người Pháp mang vào Việt Nam từ thế kỷ 19. Với những đặc điểm riêng biệt, đặc sản này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt, sự ủng hộ của các nhà đầu tư trong nước và các tổ chức nước ngoài. Năm 2013, cacao Việt Nam giành được “Giải thường Cacao quốc tế và được Tổ chức Cacao Quốc tế xếp vào loại “Cacao hảo hạng hoặc có hương vị” vào năm 2015.
Trên thế giới, ngành công nghiệp sô cô la đang tiêu thụ hơn 4 triệu tấn hạt cacao từ khắp nơi trên thế giới, với mức tiêu thụ sô cô la tăng trung bình là 5,7%. Nếu các thị trường lớn như EU và Mỹ áp đặt các quy định chặt chẽ hơn, cánh cửa cho các quốc gia có chuỗi cung ứng bền vững sẽ được mở rộng. Nhu cầu về nguồn cacao bền vững đang tăng mạnh và Việt Nam có thể đáp ứng trong khi các nước khác phải chật vật để tuân thủ./.