[Video] Những ''Mặt Trời nhỏ'' toả nắng giữa núi đồi Lục Ngạn

Vào cuối tháng 10 dương lịch hằng năm, sắc vàng của nắng, sắc vàng của cam và nụ cười của người nông dân trong ngày thu hoạch, lại đem đến cho mảnh đất Lục Ngạn không khí rộn ràng, đầy sức sống.
Một vườn cam ở Lục Ngạn, Bắc Giang (Ảnh: Lâm Phan/Vietnam+)
Một vườn cam ở Lục Ngạn, Bắc Giang (Ảnh: Lâm Phan/Vietnam+)

"Làm giàu" từ cây ăn trái không còn là ước mơ, mà đã được kiểm nghiệm qua thực tế tại vùng đất đồi Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Người dân ở đây cũng không chỉ phụ thuộc vào trái vải đặc sản như nhiều người vẫn nghĩ, mà còn đa dạng hóa cây trồng bằng những cây trái có múi, đem lại lợi ích kinh tế cao.

Những ngày này, một màu vàng ấm áp đang rực lên cả một vùng trời huyện miền núi Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Nhiều người ví von những trái cam chín như “những Mặt Trời nhỏ đang bừng sáng trên những quả đồi.” Vào cuối tháng 10 dương lịch hằng năm, sắc vàng của nắng, của cam và nụ cười của người nông dân trong ngày thu hoạch đem đến cho mảnh đất này không khí rộn ràng, đầy sức sống. 

Bà Nguyễn Thị Chiếm ở thôn Đồng Quýt (xã Tân Mộc) là một trong những người đầu tiên đưa trồng cam ở Lục Ngạn. Theo lời bà Chiếm, cây cam về đất Lục Ngạn bắt đầu từ năm 2003 và được đưa lên đồi, triển khai trên diện rộng từ năm 2009. 

"Cây cam rất hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của Lục Ngạn. Bởi thế, có thể nói chưa có cây nông nghiệp nào cho thu nhập cao như cam trên đất này," bà Chiếm nói.

Được trồng nhiều tại Lục Ngạn là giống cam Vinh. Loại cam này khi được đưa về trồng ở đây có mẫu mã bắt mắt, căng mọng, độ rám đều và có hương vị đặc trưng. 

Nhiều thực khách đánh giá, cam Lục Ngạn có vị chua nhẹ nhàng tan trong vị thanh ngọt và hương thơm rất tự nhiên. Chính vì thế những trái cam nơi đây được các lái buôn từ nhiều nơi ưa chuộng. Vào mùa thu hoạch, những vườn cam từ sáng sớm tới tối khuya lúc nào cũng nườm nượp khách ra vào. Vì thế, những vườn cam không chỉ đem lại thu nhập cho chủ vườn mà còn tạo công ăn, việc làm cho người dân trong huyện. 

Là một người cắt cam cho vườn cam của bà Nguyễn Thị Chiếm, bà Nguyễn Thị Hải cho biết: "Chúng tôi đến làm vừa có thu nhập lại vừa học hỏi được kinh nghiệm để áp dụng cho những vườn cây nhà mình. Cả năm trông chờ vào mùa thu hoạch, cho dù vất vả nhưng nhìn thấy thành tựu của nhà vườn ai cũng vui."

Đồng tình với bà Hải, Bà Nguyễn Thị Thuý (làm công việc phân loại cam) bổ sung thêm: "Công việc thường bắt đầu từ 7 giờ sáng cho tới 4 giờ chiều. Đến đây làm ai cũng phấn khởi, ai cũng muốn làm thật nhanh, thật tốt cho kịp thời vụ."

Từ những hộ trồng cam, bưởi nhỏ lẻ, đến nay diện tích cây có múi ở huyện Lục Ngạn ngày càng được mở rộng, với tổng diện tích gần 7 nghìn ha. Hằng năm, tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn tổ chức lễ hội trái cây có múi với mục tiêu làm cầu nối cho người dân, hợp tác xã trong vùng với các thương lái, các chợ đầu mối. Đây là hoạt động thu hút sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong và ngoài nước. 

Năm nay, sản lượng cây có múi của Lục Ngạn được chính quyền địa phương cho là cao nhất từ trước tới nay, ước đạt 60-70 nghìn tấn, tăng khoảng 10 nghìn tấn so với 2019. Để mở rộng thị trường và kết nối doanh nghiệp với nhà vườn, huyện Lục Ngạn sẽ khai mạc ngày hội trái cây, từ ngày 20 đến 22/11 tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục