Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được thành lập văn phòng đại diện tại Thủ đô Matxcơva, Liên bang Nga.
Đây là bước đi tiếp theo trong chiến lược hội nhập quốc tế của BIDV và với việc thành lập văn phòng đại diện tại Matxcơva, BIDV trở thành ngân hàng Việt Nam duy nhất có hiện diện thương mại tại Nga.
Cùng với Văn phòng đại diện BIDV tại Cộng hòa Séc, văn phòng đại diện BIDV tại Mátxcơva sẽ là cánh tay nối dài của BIDV với thị trường châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vừa hoàn thành việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh Kinh tế Á-Âu (gồm các nước Nga, Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan).
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho biết, văn phòng đại diện BIDV tại Mátxcơva sẽ hỗ trợ thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Văn phòng cũng sẽ là cầu nối thực hiện chức năng thu thập thông tin, nghiên cứu thị trường, nhận diện cơ hội hợp tác; thiết lập, phát triển quan hệ và giữ vai trò đầu mối liên lạc giữa BIDV với các cơ quan chức năng, đối tác, khách hàng tiềm năng và hiện tại tại Nga; nâng cao hình ảnh, vị thế của BIDV tại thị trường trong nước và quốc tế.
Trong kế hoạch dài hạn, sau khi nghiên cứu kỹ thị trường, nhiều khả năng BIDV sẽ mở hoạt động chi nhánh/ngân hàng con tại Liên bang Nga vào thời điểm phù hợp.
Liên bang Nga là một trong những địa bàn được BIDV đặc biệt quan tâm, xác định là thị trường chiến lược, tập trung đẩy mạnh phát triển. Từ năm 2006, BIDV đã hợp tác với Ngân hàng VTB (một trong những ngân hàng lớn nhất tại Nga) thành lập Ngân hàng liên doanh Việt-Nga (VRB).
Đến thời điểm hiện nay, VRB được coi là một trong những biểu tượng hợp tác kinh tế - tài chính giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Trong 10 năm qua, VRB đã tài trợ vốn, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hai nước.
Với việc FTA và Liên minh kinh tế Á-Âu được ký kết và có hiệu lực từ năm 2016, cơ hội hợp tác giữa hai thị trường Việt Nam-Nga sẽ ngày càng được tăng cường và mở rộng, hướng tới kim ngạch thương mại hai chiều ở mức 10 tỷ USD năm 2020.
Chính vì vậy, việc thành lập một đơn vị đóng vai trò đầu mối kết nối thông tin, khai thác cơ hội đầu tư và hỗ trợ xúc tiến thương mại giai đoạn này là hết sức cần thiết./.