BIDV: Tái cơ cấu ngân hàng từ bán buôn sang bán lẻ

Trong đề án tái cơ cấu của mình, BIDV tập trung chính vào hoạt động ngân hàng bán lẻ, không tập trung vào bán buôn như trước đây.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết BIDV đã xây dựng đề án tái cơ cấu, với mục tiêu chuyển từ ngân hàng bán buôn sang thành ngân hàng bán lẻ.

"Đến thời điểm này, 45% phấn huy động vốn của BIDV là từ khách hàng cá nhân. Trong khi đó, cách đây 3 năm thì con số này chỉ là trên 30%. Trong thời gian tới, hoạt động ngân hàng bán lẻ được BIDV coi là mũi nhọn để đột phá và dự kiến trong vòng 3-5 năm tới, huy động vốn sẽ tăng lên từ 48-50%," ông Hà nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, BIDV cũng chú trọng xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại phục vụ phát triển các hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Hệ thống công nghệ thong tin hỗ trợ tốt cho hoạt động quản trị bao gồm các công cụ, tiện ích và các qy trình để hỗ trợ thực hiện giao dịch nhằm tối ưu chi phí vận hành và nâng cao năng suất lao động của cán bộ, nhân viên ngân hàng...

Hiện tại, BIDV đang ráo riết tiến hành các bước để phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 28/12 này. Nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng, đây là thời điểm cuối năm, tình hình kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, dòng tiền hạn chế, thị trường chứng khoán “èo uột”… có rất nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn nhưng thị giá xuống rất thấp, chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Chính vì vậy, giá cổ phiếu BIDV phải thực sự hấp dẫn thì mới thu hút được nhà đầu tư lúc này.

"BIDV thực hiện cổ phần hóa vào lúc thị trường đang khó khăn nên đã lường hết các bất lợi. Tuy nhiên, với lộ trình cổ phần hóa đã định sẵn chúng tôi vẫn nỗ lực thực hiện với mục tiêu cao nhất là đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp, hướng tới sự phát triển bền vững và dài hạn. Chắc chắn, BIDV sẽ có sự hấp dẫn trên thị trường," ông Hà khẳng định.

Mặt khác, ông Hà cũng cho hay cổ phần hóa BIDV không phải là để hút tiền về mà chủ yếu là để nâng cao quản trị sức cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước./.

Dự kiến, đến 31/12, tổng tài sản của BIDV ước đạt 421 ngàn tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2010; lợi nhuận trước thuế sẽ đạt 42.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu là 2,8%; hệ số an toàn vốn CAR đạt 10%.

Nằm trong kế hoạch cổ phần hóa, BIDV cũng đã xây dựng kế hoạch 5 năm (2012-2015). Cụ thể, năm 2012 BIDV đặt mục tiêu đạt tổng tài sản 506.567 tỷ đồng, tăng vốn chủ sở hữu lên 29.641 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến đạt lợi nhuận sau thuế năm 2012 đạt 4.529 tỷ đồng (tăng 33,21% so với dự kiến năm 2011), các năm tiếp theo tăng trưởng lợi nhuận bình quân 20-22%/năm. Tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm dần qua các năm, đến 2015 chỉ còn 2,2%.

BIDV xác định chiến lược sẽ trở thành 1 trong 20 ngân hàng hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á vào năm 2020.
Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục