Liên quan đến nguồn tin cho rằng Công ty Formosa thuộc khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nhập nhiều loại hóa chất để súc rửa đường ống, nhiều nhà khoa học đã bày tỏ sự lo lắng trước khả năng nguồn thải có chứa chất độc bị phát tán ra môi trường đã khiến cá chết bất thường tại các tỉnh ven biển miền Trung.
Trên phương diện chuyên gia hóa học, ông Đỗ Thanh Bái, Giám đốc Trung tâm an toàn hóa chất bảo vệ môi trường (Hội Hóa học Việt Nam) cho biết, bình thường nếu doanh nghiệp xả nước thải đã qua xử lý ngay từ ban đầu thì không đáng ngại. Tuy nhiên, nếu súc rửa đường ống đang trong quá trình vận hành bằng các chất độc hại thì mức độ “hủy hoại” môi trường sẽ rất nặng.
“Thông thường, việc xử lý chất thải, súc rửa đường ống phải triển khai ngay từ lúc nhà máy đang trong quá trình xây lắp có thể lẫn đất cát, dầu mỡ. Còn khi nhà máy đang trong quá trình vận hành mà sử dụng hóa chất độc hại với lực nén cực mạnh để thải cặn bã, sắt gỉ ra ngoài sẽ khiến nguồn nước bị ô nhiễm rất nặng nề,” ông Bái nói.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý, trong trường hợp nhà máy (khu công nghiệp) đã đi vào hoạt động được một thời gian dài, muốn súc rửa đường ống thì doanh nghiệp phải sử dụng một lượng hóa chất nguy hại lớn. Đây cũng là lý do khiến nồng độ độc trong nước xả rất cao so với nước thải bình thường.
Thông qua danh sách 45 loại hóa chất Formosa nhập về để xử lý chất thải, súc rửa đường ống từ nguồn tin của Tuổi trẻ, ông Đỗ Thanh Bái khẳng định, trong số các loại hóa chất mà Formosa nhập về có những chất rất độc, nếu như sử dụng lượng hóa chất vượt ngưỡng an toàn thì việc làm này là quá “liều.”
“Theo danh sách đó, đa phần là hóa chất để xử lý chất thải, súc rửa đường ống ban đầu khi đang xây lắp, chứ không được dùng trong quá trình vận hành. Hơn nữa, các loại hóa chất này thuộc nhiều nhóm khác nhau, trong đó có một số chất nguy hiểm như: chất tẩy gỉ, chống ăn mòn, chất ức chế, chất chống khuẩn..,” ông Bái nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm trên, ông Đào Trọng Hưng, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cũng khẳng định, việc sử dụng hóa chất độc hại để xử lý chất thải, súc rửa đường ống là rất đáng lo ngại. Nếu Formosa sử dùng hoá chất nguy hại để súc rửa đường ống được “cắm” dưới biển Vũng Áng, có thể sẽ “phát tán” độc tố ở ngoài biển, khiến cá chết.
Ông Hưng cũng nhấn mạnh, trong việc xả nước, súc rửa đường ống này cần xem lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của Formosa. Theo ông, việc xả là của Formosa, nhưng xả cái gì ở trong lại cần phải được kiểm soát, dù là nước đã qua xử lý. Trong việc xả nước thải này, Formosa cũng phải có trách nhiệm báo cáo với chính quyền địa phương về thời gian xả thải và việc sục rửa đường ống.
“Việc báo cáo này là bắt buộc theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường do Formosa trình. Thế nhưng, đến nay địa phương họ bảo vẫn không nhận được thông báo gì.”
“Chúng ta cần phải hiểu, biển không phải là cái ao hay cái bể phốt để xả thải vô tội vạ. Thứ nữa là, nếu việc xả thải đúng là nguyên nhân làm chết cá thì nước biển ở đây là cực kỳ nguy hiểm. Tôi nghĩ phải có nồng độ độc nhất định nào đó ở trong nước thải lại trùng hợp với hiện tượng cá chết bất thường và lan truyền cả dải bờ biển miền Trung như vậy,” ông Hưng chia sẻ.
[Vụ cá chết hàng loạt: Có thể xử lý hình sự nếu Formosa gây ô nhiễm]
Về thông tin cho rằng đường ống xả thải khổng lồ của Formosa “cắm” dưới đáy biển là trái phép, chiều 23/4 tại cuộc họp truy tìm nguồn độc gây cá chết diễn ra ở Hà Tĩnh, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định đường ống xả thải ra biển của Formosa được cấp phép chứ không phải lắp đặt lén lút. Nguồn nước sau khi xử lý cũng đạt quy chuẩn được xả qua hệ thống đường ống này.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng lưu ý, việc được phép xả thải và chạy đường ống ngầm với việc nước thải đó có chất gì gây hại môi trường hay không lại là hai chuyện khác nhau. Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các cơ quan chuyên môn vẫn đang kiểm tra, làm rõ.
Trước thông tin Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đưa ra, trao đổi với phóng viên VietnamPlus chiều 24/4, phó giáo sư tiến sỹ Nguyễn Đình Hòe, Tổng thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, hiện tượng cá chết đã là "thảm họa môi trường" mà nguyên nhân là do nhiễm độc.
Câu hỏi đặt ra là, liệu cơ quan chức năng có kiểm soát được việc doanh nghiệp xả thải, và việc xả thải được cho là làm chết cá có đạt quy chuẩn không?
“Trong việc này, nếu khẳng định nguồn nước thải được xử lý đạt quy chuẩn, doanh nghiệp phải đưa ra bằng chứng cụ thể. Trường hợp, Formosa có quyền xả thải, nhưng nguồn nước được xử lý ở cấp độ nào mới được xả thải thì cũng mới chỉ theo nguyên tắc, chứ không cụ thể doanh nghiệp đã xả thải nguồn nước gì, có đảm bảo hay không thì chưa thấy công bố.”
“Ngay như việc đường ống xả thải dưới đáy biển, mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định đã cho phép Formosa xây dựng từ năm 2014, nhưng nếu người dân không lặn xuống, phát hiện rồi trình báo, sau đó cơ quan chức năng mới vào cuộc thì người ta vẫn coi như doanh nghiệp họ xả lậu, và nguồn thải có nhiễm độc hay không cũng khó phát hiện,” ông Hòe nói thêm./.