Mặc dù hiện tượng cá chết hàng loạt trôi dạt vào bờ tại vùng biển các tỉnh miền Trung đã xảy ra từ đầu tháng Tư, nhưng đến nay (sau gần nửa tháng), các cơ quan chức năng vẫn chưa có một kết luận cụ thể nào về nguyên nhân để có cách ngăn chặn, hay chí ít cũng hạn chế lượng cá chết hàng ngày.
Điều đáng nói là, trong khi cơ quan chuyên môn đang loay hoay lấy mẫu, truy tìm nguồn gây ô nhiễm, thì người dân dọc bờ biển miền Trung vẫn phải sống phấp phổng trước mối lo cá nhiễm độc, nhất là khi đã có trường hợp bị ngộ độc do ăn cá biển chết.
Cá chết do nguồn thải từ đất liền?
Theo nguồn tin từ các cơ quan chuyên môn, hiện tượng cá biển chết dạt vào bờ xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 6/4 tại vùng biển Vũng Áng thuộc địa phận thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Những ngày sau đó, cá chết tiếp tục lan sang vùng biển tỉnh Quảng Bình đến Quảng Trị, và gần đây nhất là vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngoài hiện tượng cá biển tự nhiên chết dạt vào bờ, liên tiếp trong những ngày gần đây, các loại cá như hồng, mú, vẩu… được người dân nuôi trong lồng bè ở gần cửa sông, cửa biển cũng chết bất thường. Ngay cả các ao hồ nuôi xa bờ, cá cũng bị chết khi người dân lấy nước từ biển vào nuôi.
Đến thời điểm này, hiện tượng cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung đến nay đã khiến người dân hết sức lo lắng. Sự việc càng khiến người dân hoang mang khi đã có trường hợp bị ngộ độc thức ăn do ăn cá chết xảy ra ở xã ven biển Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác quản lý biển và hải đảo, phó giáo sư Nguyễn Chu Hồi, Khoa Môi trường - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) cho rằng, hiện tượng cá chết ở các khu vực trên là do ô nhiễm môi trường, trong đó nguyên nhân chính là do một lượng hóa chất rất lớn được xả từ đất liền xuống biển.
“Có thể, nguồn thải này bắt nguồn từ các khu công nghiệp, khu đô thị nằm ngay sát ven bờ biển. Nguồn hóa chất này sau khi đổ xuống biển đã lan truyền nhanh qua các địa phương khác, mà khởi đầu là từ vùng biển Vũng Áng thuộc khu vực thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh,” ông Hồi nhấn mạnh.
Phó giáo sư Nguyễn Chu Hồi cũng lưu ý, thông thường hóa chất gây ô nhiễm có thể sẽ nổi lên bề mặt như dầu, nhưng cũng có thể sẽ chìm xuống đáy. Tuy nhiên, môi trường biển thường có khả năng hòa tan độc tố rất nhanh. Do đó, hiện tượng cá chết đã xảy ra tại Hà Tĩnh gần nửa tháng, mà nay vẫn còn lan truyền qua các địa phương khác thì mức độ ảnh hưởng là rất nghiêm trọng.
Có chung quan điểm, ông Đỗ Thanh Bái, Giám đốc Trung tâm an toàn hóa chất bảo vệ môi trường (Hội Hóa học Việt Nam) cũng khẳng định, việc cá chết hàng loạt ở các vùng biển miền Trung là rất đáng lo ngại. Và, mức độ cá chết có thể sẽ còn lan rộng nếu không kịp thời ngăn chặn.
"Việc cá chết khủng khiếp kéo dài trong những ngày vừa qua tại các tỉnh miền Trung có khả năng xuất phát từ hai nguồn. Thứ nhất là do tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến sự biến động về chất lượng nước (nước thiếu ôxy). Thứ hai là nguồn thải từ đất liền đổ xuống biển. Tuy nhiên, nếu cá chết do nguồn thải từ đất liền thì mức độ ảnh hưởng sẽ rất khó lường," ông Bái chia sẻ.
Vị chuyên gia này cũng khẳng định, mặc dù hiện tượng cá chết bất thường, kéo dài tại các tỉnh vùng biển miền Trung đã xuất hiện từ những ngày đầu tháng Tư, nhưng đến nay các cơ quan chức năng chuyên môn như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới cử đoàn vào phối hợp với các địa phương lấy mẫu phân tích là quá chậm.
“Thực tế này một phần là do tâm lý của các địa phương chưa thật sự gần dân, mà mới chỉ làm đúng trách nhiệm khi có ý kiến chỉ đạo của Trung ương. Đáng lẽ ra, khi người dân phát hiện cá chết, chính quyền xã, huyện báo lên, các Sở liên quan phải vào cuộc truy tìm nguyên nhân ngay thì mức độ ô nhiễm lây lan có thể đã được kiểm soát,” ông Bái nói.
[Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Gấp rút làm rõ hiện tượng cá chết hàng loạt]
"Đón đầu" nguồn ô nhiễm để truy tìm độc tố
Đưa ra hướng truy tìm nguồn gây ô nhiễm, ông Đỗ Thanh Bái, Giám đốc Trung tâm an toàn hóa chất bảo vệ môi trường (Hội Hóa học Việt Nam) cho rằng, bây giờ muốn kết luận chính xác nhất, cơ quan chuyên môn cần phải lấy mẫu sinh vật (mẫu cá chết) và phải "đón đầu" ô nhiễm bằng cách lấy mẫu từ khu vực biển Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế.
“Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần phải tập trung lấy mẫu nguồn thải xung quanh các khu công nghiệp ở vùng biển Vũng Áng thuộc địa bàn thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh - nơi phát hiện cá chết đầu tiên. Việc lấy mẫu ở khu vực này là rất đáng lưu ý, bởi ý thức bảo vệ môi trường biển của các doanh nghiệp nước ngoài ở đây vốn không thật sự tốt,” ông Bái đề xuất.
Khẳng định nguyên nhân ô nhiêm gây cá chết bắt nguồn từ đất liền, phó giáo sư Nguyễn Chu Hồi, Khoa Môi trường - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để sớm tìm được nguyên nhân cá chết, các cơ quan chuyên môn cần phải huy động sự can thiệp của Cảnh sát Môi trường, để kịp thời tổ chức thanh tra nhanh nguồn thải từ đất liền đổ ra biển.
“Bây giờ sự việc đã rồi, nếu tổ chức đi lấy mẫu theo kiểu nghiên cứu khoa học thông thường sẽ mất nhiều thời gian. Vì thế, chúng ta phải kiểm soát, thanh tra ngay các nguồn đổ thải ra biển từ đất liền. Tất nhiên, việc lấy mấu nước biển tại các vùng cá chết cũng cần phải được triển khai và sớm công bố kết quả để có thể đưa ra giải pháp can thiệp,” ông Hồi nói.
Trong khi đó, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, hiện tượng cá chết này rất bất thường, vì cá chết có cả cá nuôi trong lồng, cá tự nhiên tầng mặt và tầng đáy. Hơn thế, tại mỗi vùng biển, hiện tượng cá chết khác nhau nên việc xác định nguyên nhân trong vùng biển mênh mông cũng cần phải thận trọng.
“Ngay như việc lấy mẫu cũng không dễ, bởi đại dương rất phức tạp, khi lấy mẫu còn phải kết hợp xem hải văn như thế nào, nguồn nào ô nhiễm, có khả năng ô nhiễm. Mặc dù vậy, hiện các nhà khoa học và cơ quan quản lý vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân nên chúng tôi không thể nói trước điều gì. Chúng ta nên có thời gian để xác định chính xác hơn,” ông Tùng nói./.
Trước mối lo cá chết hàng loạt tại các vùng biển miền Trung, sáng 20/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp khẩn với các đơn vị chức năng liên quan để gấp rút làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung, nhất là ba tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.
Cùng ngày, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đã lập đoàn công tác, đi dọc các tỉnh để điều tra tổng thể nguyên nhân, trong đó lưu ý về độc tố, môi trường. Dự kiến sẽ có kết quả đánh giá sơ bộ trong tuần tới.
Ngoài ra, để tránh gây thiệt hại đối với sản xuất, tiêu thụ cá của người dân nuôi trồng thuỷ sản, ngày 21/4, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh miền Trung chỉ đạo các cơ quan chức năng khuyến cáo và hướng dẫn cho người dân phân biệt sản phẩm cá đảm bảo an toàn để người dân không hoang mang và yên tâm sử dụng./.