Ngày 16/12, Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) của tạp chí The Economist (Anh) đã đăng trên trang web chính thức báo cáo tóm tắt đánh giá của tổ chức này về triển vọng kinh tế thế giới.
EIU nhận định sau khi bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2020 do đại dịch COVID-19, các nền kinh tế phát triển đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ.
Mỹ dẫn đầu về tốc độ phục hồi, với những dữ liệu tăng trưởng khả quan trong nửa đầu năm 2021, chủ yếu nhờ các biện pháp kích thích kinh tế và việc nhanh chóng triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Trung Quốc và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng ghi nhận đà tăng trưởng mạnh trở lại trong năm nay.
Về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022, EIU đưa ra hai kịch bản liên quan đến biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Nếu biến thể Omicron được chứng minh là ít nguy hiểm hơn Delta, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ít bị tác động hơn trong năm 2021 và phục hồi nhanh hơn dự báo vào năm 2022.
Ngược lại, nếu Omicron được chứng minh là nguy hiểm hơn Delta, đà phục hồi kinh tế thế giới trong năm 2022 sẽ chậm lại.
Cũng theo báo cáo của EIU, cùng với tác động của biến thể Omicron, lạm phát liên tục leo thang đặt ra nguy cơ đối với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.
[IMF cảnh báo biến thể Omicron có thể làm chậm đà tăng trưởng toàn cầu]
EIU cho biết lạm phát đã tăng vọt trong năm 2021 giữa lúc kinh tế toàn cầu đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi dù đại dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng và giá cả hàng hóa tăng cao kỷ lục.
Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng được cho là sẽ kéo dài ít nhất cho đến giữa năm 2022, khiến giá sản xuất và giá tiêu dùng leo thang.
Tuy nhiên, EIU cho rằng lạm phát sẽ đi xuống trong giai đoạn 2022-2025, lãi suất được duy trì ở mức thấp và nợ công nằm trong tầm kiểm soát.
Ngoài ra, EIU dự báo các ngân hàng trung ương lớn sẽ sớm bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ.
Theo EIU, để kiểm soát lạm phát, các ngân hàng trung ương có thể sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn và nhanh hơn so với dự đoán của các nhà đầu tư. Điều này có thể gây bất ổn cho thị trường tài chính và các nền kinh tế mới nổi.
Về thương mại toàn cầu, các chuyên gia EIU cho rằng các yếu tố liên quan đến nguồn cung đang cản trở dòng chảy thương mại toàn cầu.
Theo EIU, đại dịch COVID-19 tác động rất lớn đến dòng chảy thương mại toàn cầu trong năm 2020, theo đó thương mại hàng hóa giảm khoảng 5% và thương mại dịch vụ giảm khoảng 20% (chủ yếu do lượng khách du lịch toàn cầu giảm).
Khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu đã tăng mạnh trở lại vào năm 2021, nhờ nhu cầu phục hồi khi các nền kinh tế mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, các yếu tố từ phía nguồn cung đang là một rủi ro. Tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu, do nhu cầu về thiết bị điện tử tăng mạnh do nhiều người chuyển sang làm việc từ xa, đang làm gián đoạn hoạt động sản xuất.
Ngoài ra, sự gián đoạn lưu thông hàng hóa do dịch COVID-19 đã khiến cước vận chuyển tăng cao kỷ lục. EIU cũng dự báo thương mại dịch vụ sẽ phục hồi chậm hơn, cụ thể là phải sau cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024./.