Biểu tình chống giới tài phiệt lan khắp Mỹ và thế giới

Vào cuối tuần này phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" sẽ có các cuộc biểu tình đồng loạt ở các thành phố lớn khắp nước Mỹ và tuần tới, sẽ lan sang cả Nhật Bản và châu Âu.
Làn sóng biểu tình chống sự lạm dụng và quyền lực vô hình của các tập đoàn tài phiệt Phố Wall, hay còn gọi là phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" (Occupy Wall Street), đã bước sang tuần thứ ba và có xu hướng lan rộng ra khắp các thành phố lớn của nước Mỹ và các châu lục khác, bất chấp hàng trăm người đã bị bắt giữ ở thành phố New York, nơi khởi nguồn của phong trào suốt từ ngày 17/9 tới nay.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn tin của các kênh truyền hình Mỹ cho biết tại thành phố Los Angeles, bang California, ngay từ sáng sớm những người biểu tình đã cắm trại bên ngoài khu tòa án, nơi xét xử bác sỹ riêng của "Ông vua nhạc Pop" quá cố Michael Jacksson, với hy vọng sẽ thu hút được đông đảo giới báo chí đến đưa tin.

Tại thành phố Chicago, bang Illinois, hàng chục người tụ tập trước trụ sở chi nhánh Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), quấn chăn hoặc chui vào các túi ngủ để che chắn cái rét đột ngột của đầu mùa Đông, bao quanh họ là những tấm biển đề nghị ủng hộ đồ ăn thức uống để họ tiếp tục điều mà họ gọi là "gửi cho ông chủ các tập đoàn một thông điệp mạnh mẽ khẳng định chúng tôi biết rõ những gì họ đang làm."

Các cuộc biểu tình cũng tiếp tục lan rộng tới khu buôn bán sầm uất ở thành phố Boston, bang Massachussette và thành phố San Francisco, bang California.

Trang web "Occupy Together" không chính thức của phong trào nói trên cho biết vào cuối tuần này sẽ có các cuộc biểu tình đồng loạt diễn ra ở các thành phố lớn trên khắp nước Mỹ như Detroit, Portland, Minneapolis, Baltimore, Mason City, bang Iowa, Mobile, bang Alasska, Little Rock, bang Arkansas, Santa Fe, New Mexico, McAllen, Texas...

Theo kế hoạch, sang tuần tới tiếp tục có hàng chục cuộc biểu tình ở Mỹ, thậm chí lan sang cả Nhật Bản và châu Âu. Một số người biểu tình cho biết họ đang sử dụng mạng xã hội Twitter và Facebook để kêu gọi xuống đường, quyên góp tiền, thực phẩm và chăn màn cho "cuộc chiến có thể còn kéo dài."

Làn sóng biểu tình nhiều tuần qua tại Mỹ tuy không có một tổ chức thống nhất, nhưng các nhóm đã tự thành lập các tiểu ban chuyên biệt chịu trách nhiệm về an ninh, giao thông vận tải và thông tin đại chúng. Các nhân viên của tập đoàn cung cấp dịch vụ tra cứu trên mạng Google cũng tự đứng ra thành lập các nhóm biểu tình của Google.

Các cuộc biểu tình tự phát với mô hình tổ chức linh hoạt tiếp tục diễn ra vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng tựu chung là lên án chính sách của giới chủ ngân hàng và các tài phiệt gây ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008, khiến hàng triệu người Mỹ và các nước ảnh hưởng bị mất công ăn việc làm và hàng triệu người rơi vào cảnh đói nghèo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục