Cảng Quy Nhơn đón tấn hàng thứ 6 triệu

Bình Định: Cảng Quy Nhơn đón tấn hàng thứ 6 triệu

Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (Bình Định) đã tổ chức lễ đón tấn hàng thứ 6 triệu thông qua cảng Quy Nhơn trong năm 2013.
Bình Định: Cảng Quy Nhơn đón tấn hàng thứ 6 triệu ảnh 1NBốc xếp hàng hóa tại cảng Quy Nhơn. (Ảnh: Viết Ý/TTXVN)

Ngày 12/12, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (Bình Định) đã tổ chức lễ đón tấn hàng thứ 6 triệu thông qua cảng Quy Nhơn trong năm 2013.

Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển cảng Quy Nhơn và cụm cảng biển trên vịnh Quy Nhơn trở thành điểm kết nối kinh tế vùng và nơi trung chuyển hàng hóa quốc tế quan trọng.

Cảng Quy Nhơn hiện có 6 cầu tàu tổng tải trọng từ 20.000 - 50.000 tấn. Với sự kiện đón nhận tấn hàng thứ 6 triệu trong năm, cảng Quy Nhơn vẫn giữ vững bước phát triển và là cảng biển có lượng hàng hóa thông qua lớn thứ ba cả nước, sau cảng Hải Phòng (19 triệu tấn) và cảng Sài Gòn (10 triệu tấn).

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn Nguyễn Hữu Phúc cho biết, đến cuối năm 2013, sản lượng hàng hóa thông qua cảng sẽ đạt 6,5 triệu tấn, tăng 15% so với năm 2012; tổng doanh thu đạt 477 tỷ đồng (tăng 14%), lợi nhuận đạt 28 tỷ đồng (tăng 35%) và thu nhập bình quân lao động tại cảng đạt 15,5 triệu đồng/người/tháng.

Cảng Quy Nhơn là cảng biển đầu tiên cổ phần hóa theo đề án tái cơ cấu của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Quá trình cổ phần hóa cũng được thực hiện với thời gian nhanh "kỷ lục" là bốn tháng.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam ông Nguyễn Ngọc Huệ đánh giá, trong thời điểm khó khăn, suy thoái kinh tế kéo dài, nhưng cảng Quy Nhơn vẫn hoạt động hiệu quả, đầu tư nâng cấp cầu tàu, tạo đà phát triển thuận lợi, là một trong những cảng kinh doanh hiệu quả nhất của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.

Cảng Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (cảng loại 1), nằm trong vịnh Quy Nhơn, một trong những vịnh kín gió, có luồng tàu thuận lợi đảm bảo cho tàu trọng tải 50.000 tấn ra vào.

Cảng nằm ngay điểm đầu nối giáp biển Đông của quốc lộ 19 nối với quốc lộ 1 và quốc lộ 14, là điểm đầu mối của các tỉnh Nam Trung Bộ-Tây Nguyên đến các cửa khẩu Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia... Từ nhiều năm qua, ngày càng có nhiều hãng hàng hải quốc tế chọn cảng Quy Nhơn là điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng. Chính vì vậy, cảng Quy Nhơn thường xuyên bị quá tải.

Để đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của khu vực, cảng Quy Nhơn liên tục nâng cấp cầu tàu và khả năng xếp dỡ hàng hóa. Sau khi nâng cấp cầu tàu lên đến 50.000 tấn từ đầu năm 2013, rút ngắn nửa thời gian xếp dỡ, hiệu quả khai thác cầu tàu đạt 7.500 tấn/m cầu, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được từ 10 - 12 USD chi phí kho vận cho mỗi tấn hàng hóa, góp phần tạo sức hút mạnh mẽ của cảng Quy Nhơn.

Ông Trần Vĩnh Long, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Long - Quy Nhơn cho biết, năm 2013, nhờ cảng Quy Nhơn đầu tư nâng cấp cầu cảng lên 50.000 tấn, giảm áp lực thời gian giải phóng hàng hóa đã giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Riêng Công ty TNHH Hoàng Long - Quy Nhơn (chuyên xuất khẩu sắn lát) đã giảm rất nhiều chi phí và thời gian xếp dỡ hàng hóa, lưu kho, không những không bị tàu phạt vì thời gian chờ xếp dỡ hàng mà còn được thưởng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Toshimizu Okada, Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất dăm gỗ Bình Định (BinhDinhChip), do chỉ có một cầu cảng 50.000 tấn nên cảng Quy Nhơn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu hàng hóa thông qua cảng, tình trạng kẹt cầu tàu cần phải được cải thiện sớm.

Ông Nguyễn Hữu Phúc cũng cho biết, cảng Quy Nhơn đã chủ động đề xuất các cấp, ngành lập quy hoạch phát triển mở rộng cảng Quy Nhơn giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đáp ứng sản lượng thông qua cảng đến năm 2020 từ 15 - 17 triệu tấn, sau năm 2020 là 20 triệu tấn trở lên.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc khẳng định, tỉnh luôn coi việc đầu tư phát triển cảng Quy Nhơn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh gắn với quy hoạch xây dựng cụm cảng biển Quy Nhơn, Nhơn Hội, Thị Nại, Tân Cảng, Đống Đa trở thành cụm cảng có quy mô lớn, uy tín và hiệu quả trong hệ thống cảng biển Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, làm đầu mối trung chuyển, trung tâm giao thương kinh tế của tiểu vùng sông Mê Kông và khu vực châu Á - Thái Bình Dương./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục