Những nghệ nhân cao niên ở thôn An Sơn 2, xã Phước An, huyện Tuy Phước (Bình Định), đã và đang dành hết tâm huyết, cố công gìn giữ nghề rèn truyền thống trước nguy cơ mai một, thất truyền.
“Sinh sau, đẻ muộn” nhưng nghề rèn thôn An Sơn 2 nức tiếng không kém gì làng rèn Tây Phương Danh (phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, Bình Định) nổi tiếng từ hàng trăm năm trước.
Theo các bậc cao niên ở thôn An Sơn 2, những người thợ ở 2 làng nghề này có nét tương đồng về kỹ thuật rèn.
Nghệ nhân Phạm Thành Phú (58 tuổi) là một trong những nghệ nhân lớn tuổi nhất trong thôn còn gắn bó với nghề rèn. Ông đã là đời thứ 3 làm nghề này theo cách “cha truyền con nối."
Ông làm nghề từ năm 10 tuổi, đến nay đã được gần 50 năm. Rèn là nghề thủ công nên sản phẩm chế tác ra đều không có khuôn mẫu hay chuẩn mực nào, chủ yếu là dựa vào sự sáng tạo của chính người thợ.
Họ phải chọn lựa nguyên liệu sắt, thép kỹ càng; có khả năng tính toán và kiểm soát được nhiệt độ lò nung; xác định chính xác "độ chín" của sắt, thép để kịp đem nhúng vào nước - công đoạn cực kỳ quan trọng, quyết định đến chất lượng sản phẩm. Không những thế, để thành phẩm đạt tới độ cứng mà không giòn, dẻo mà không mềm, mỗi người thợ đều có bí quyết riêng trong đó. Tất cả những điều này được xem như điểm đặc trưng của làng nghề.
Ông Phú chia sẻ dao, rựa rèn theo cách truyền thống của địa phương có mẫu mã bắt mắt, độ bền cao và đặc tính sắc, bén nên được người tiêu dùng khá ưa chuộng. Nhất là vào mùa nương rẫy, người dân các huyện miền núi đặt hàng với số lượng lớn, ông phải làm thâu đêm suốt sáng mới kịp giao hàng.
Giá bán các sản phẩm của làng nghề tùy từng loại. Rựa thành phẩm thì được bán ở mức 200.000đồng/cái; dao thì 100.000 đồng/cái. Nghề tuy vất vả nhưng bù lại thu nhập ổn định, mỗi tháng sau khi trừ hết chi phí, các hộ làm nghề cũng thu lời từ 6-8 triệu đồng/tháng, so với làm nông nghiệp thì hiệu quả hơn nhiều lần.
Ông Nguyễn Văn Việt (khách hàng ở huyện miền núi Vân Canh, Bình Định) cho biết làng rèn thì nhiều nơi có nhưng ông vẫn tin tưởng đặt mua hàng ở đây. Nếu so sánh với hàng công nghiệp thì hàng rèn thủ công ở thôn An Sơn 2 này “ăn đứt.” Chẳng hạn như rựa, sử dụng 1-2 năm chưa hỏng, thi thoảng chỉ đem đi mài lại cho sắc.
Làm nghề giúp nhiều người có cuộc sống ổn định, khấm khá. Tuy nhiên, điều khiến ông Phạm Thành Phú cũng như bao người khác đau đáu là nguy cơ mai một, thất truyền của nghề. Phần lớn người làm nghề đều đã tuổi cao, sức yếu. Lớp trẻ thì không mấy mặn mà với cái nghề cực nhọc, vất vả, phải bôn ba tứ xứ làm ăn này. Bởi vậy mà từ gần 50 hộ làm nghề, đến nay cả thôn chỉ còn vỏn vẹn 6-7 hộ còn "đỏ lửa."
Anh Phạm Bá Phước (một trong những người còn làm nghề tại thôn An Sơn 2) bộc bạch, nghề này nói khó cũng không khó cho lắm, chủ yếu “nghề dạy người,” làm càng lâu năm càng lên tay. Quan trọng là người thợ phải luyện tính kiên nhẫn, sức dẻo dai, bền bỉ.
“Nghề gia truyền ăn vào máu thịt rồi nên không thể bỏ được. Bằng cả tâm huyết và sự yêu nghề, chúng tôi vẫn cùng nhau góp sức để lò rèn đêm ngày đỏ lửa, đứng vững trước biến thiên thời cuộc, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân với phương châm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” anh Phước tâm sự. Anh cũng kỳ vọng rằng, với nỗ lực không ngừng nghỉ của những người tâm huyết với nghề, ngày nào đó nghề sẽ hồi sinh mạnh mẽ.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phước An Nguyễn Ngọc Tú thông tin thời gian tới, xã sẽ quy hoạch lại làng nghề, tạo điều kiện để các hộ làm nghề tham gia sản xuất tập trung, kích cầu cho phát triển sản xuất lớn và đảm bảo yếu tố môi trường.
Đồng thời, chính quyền xã vận động nhân dân đăng ký quỹ đất để thành lập doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực nghề truyền thống; tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để hiện đại hóa quá trình sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.
Ngoài ra, xã sẽ tích cực tạo điều kiện thúc đẩy, thu hút giao thương, mở rộng thị trường, trong đó chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống ra thị trường trong, ngoài tỉnh./.
Làng nghề Hà Nội mang lại giá trị kinh tế trên 24.000 tỷ đồng mỗi năm
Mỗi làng nghề đều mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao cho lao động nông thôn.