Bình Định: Xử lý tình trạng xâm chiếm đất lâm nghiệp tại huyện Phù Cát

Tại chân núi An Huy, thôn Chánh Thiện, xã Cát Thành, nhiều hộ dân đã xâm chiếm đất lâm nghiệp để xây dựng công trình nhà ở, chòi quán kiên cố trái phép, trong đó có trường hợp chiếm gần 120m2.
Bình Định: Xử lý tình trạng xâm chiếm đất lâm nghiệp tại huyện Phù Cát ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Lợi dụng "kẽ hở" trong quản lý của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đã tự ý xâm chiếm đất lâm nghiệp, xây dựng các công trình trái phép, sai mục đích sử dụng đất, gây bức xúc trong dư luận.

Xã Cát Thành là một trong 4 địa phương của huyện Phù Cát “nóng” về tình trạng này. Theo ghi nhận của phóng viên, tại chân núi An Huy, thôn Chánh Thiện, nhiều hộ dân đã xâm chiếm đất lâm nghiệp để xây dựng công trình nhà ở, chòi quán kiên cố trái phép, trong đó có trường hợp chiếm gần 120m2.

Hoạt động này diễn ra khá ngang nhiên nhưng chính quyền địa phương chưa có hướng xử lý dứt điểm.

Ông Mai Văn Bé, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cát Thành cho biết năm 2021, xã đã tiến hành cưỡng chế toàn bộ 9 trường hợp, tuy nhiên đến nay có 4 trường hợp tái chiếm. Xã sẽ lập biên bản để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Tại các xã Cát Khánh, Cát Hải và thị trấn Cát Tiến cũng xảy ra tình trạng tương tự. Thống kê sơ bộ, toàn huyện có gần 100 trường hợp lấn chiếm.

Trước vấn nạn nhức nhối này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã chỉ đạo huyện Phù Cát tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm.

[Bình Định: Thanh tra toàn bộ các vi phạm đất đai tại huyện Vĩnh Thạnh]

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phù Cát cho biết chính quyền đang yêu cầu các địa phương báo cáo sự việc trước ngày 20/11 và phải có hướng giải quyết triệt để, không kéo dài. Quan điểm của huyện là sẽ kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu địa phương buông lỏng công tác quản lý.

Số vụ xâm chiếm đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp để xây dựng công trình trái phép trên địa bàn tỉnh Bình Định gia tăng như “nấm mọc sau mưa," nhất là khi mở các tuyến đường giao thông trọng điểm, các khu đô thị mới phục vụ việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, gây khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục