Sau hai ngày làm việc với trách nhiệm cao, ngày 9/12, Kỳ họp lần thứ 8 Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương khóa X đã thông qua 28 nghị quyết giải quyết nhiều mặt về đời sống, kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2023.
Trong 28 nghị quyết được thông qua, đáng chú ý là Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức cao trong năm tới, nhằm sớm thoát khỏi “bẫy” thu nhập trung bình.
Cụ thể, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,5-8,7% so với năm 2022; GRDP bình quân đầu người khoảng 177,1 triệu đồng/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng 9-10%; kim ngạch nhập khẩu tăng 9-10%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 74.617 tỷ đồng; tổng chi cân đối ngân sách địa phương đạt 23.273 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1,8 tỷ USD; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 11%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt 100%; xây mới nhà ở xã hội đạt từ 8.000-10.000 căn hộ.
[Thủ tướng: Bình Dương phải phát triển nhanh nhưng bền vững]
Đặc biệt, một trong nghị quyết về triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết, các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XI.
Cùng đó, tỉnh Bình Dương thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng chuyển đổi số, kinh tế số, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, các bệnh truyền nhiễm và các dịch bệnh mới phát sinh; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ; tập trung mọi nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị-dịch vụ.
Bình Dương xem đây là những “ trụ cột” chính nhằm xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng, những nghị quyết vừa thông qua có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn; tập trung vào những vấn đề trọng tâm, then chốt, những vấn đề bức thiết trong cuộc sống xã hội để đáp ứng sự tin tưởng và kỳ vọng của cử tri và nhân dân.
“Để đạt những mục tiêu đề ra, toàn tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện mục tiêu vừa phục hồi, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề ra; trong đó, tập trung đánh giá cụ thể 4 Chương trình đột phá chiến lược và 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 theo đúng chế độ, tạo bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng.
Năm 2023, toàn tỉnh tập trung thực hiện các dự án trọng điểm mang tính chất lan tỏa, kết nối vùng như Vành đai 3, Vành đai 4, Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành để kết nối liên kết vùng…,” bà Nguyễn Trường Nhật Phương nhấn mạnh./.