Ngày 25/11, Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức Hội Nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, khóa XI (mở rộng) nhằm đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; việc xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Theo báo cáo kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh Bình Dương ước kết quả đạt được nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá; trong đó về tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 8,29%; GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng; thu ngân sách ước đạt 61.940 tỷ đồng, tăng 103%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 269.440 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 35,7 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 25,8 tỷ USD, qua đó nâng cao tỷ lệ thặng dư thương mại gần 10 tỷ USD.
Công tác an sinh, phúc lợi xã hội được quan tâm; chăm sóc sức khoẻ nhân dân được chú trọng; các thiết chế văn hóa, thể thao tiếp tục được quan tâm xây dựng, tu bổ, tôn tạo.
Công tác giáo dục và đào tạo cũng tiếp tục được quan tâm đầu tư, đạt được nhiều kết quả nổi bật; các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được thúc đẩy mạnh, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội...
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho rằng, kết quả đạt được trong năm 2022 là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Kết quả này rất quan trọng, có ý nghĩa động viên, khích lệ, cổ vũ rất lớn để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2023 và cả nhiệm kỳ 2020-2025.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế, yếu kém cần được tập trung khắc phục; trong đó, về quy hoạch cấp tỉnh còn chậm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; một số dự án khu đô thị, khu dân cư, nhà ở chậm được thanh tra, xử lý nên tình hình người dân tụ tập, khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp; còn để xảy một số vụ cháy nổ, ô nhiễm môi trường gây hậu quả nghiêm trọng. Việc cải cách hành chính, chuyển đổi số còn chậm; giải quyết khó khăn của người dân, doanh nghiệp có lúc còn chưa nhịp nhàng, cán bộ còn ngừng ngại, xử lý công việc chưa thông suốt.
[Bộ trưởng GTVT: Địa phương ‘đuối’ giải ngân sẽ không có dự án mới]
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh năm 2023 là năm bản lề để thực hiện thành công nghị quyết Đại hội Đảng bộ cả nhiệm kỳ, theo đó tỉnh cần thêm nhiều giải pháp hiệu quả để đáp ứng cho mục tiêu tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và chú trọng theo chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực; tập trung việc lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm quy hoạch tỉnh đạt chất lượng cao nhất và đúng tiến độ đề ra.
Tỉnh cũng khẩn trương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là những văn kiện rất quan trọng, là kim chỉ nam cho những bước tiếp theo của tỉnh Bình Dương.
Bên cạnh đó, tiếp tục tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh; tập trung tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư công; hoàn tất các thủ tục pháp lý, bố trí đủ vốn cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đầu tư văn hóa, xã hội tương xứng với phát triển kinh tế; thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh....
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi yêu cầu toàn hệ thống chính trị trong tỉnh, mà trước hết là vai trò nêu gương của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần chủ động, sáng tạo, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, gắn với kiểm tra, giám sát thực hiện, quyết tâm hoàn thành với kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023./.