Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân trong giải quyết việc làm, động viên nguồn vốn, khai thác tài nguyên tạo ra nhiều của cải, hàng hóa phục vụ đời sống và đóng góp cho sự phát triển của đất nước nói chung, tỉnh Bình Phước nói riêng.
Qua hơn 6 năm thực hiện, khu vực kinh tế tư nhân tại Bình Phước ngày càng tăng về số lượng, quy mô, chất lượng và tăng tỷ trọng đóng góp trong GRDP của tỉnh.
Tăng dần tỷ lệ đóng góp vào GRDP hàng năm từ năm 2020 đạt 75,02%, năm 2022 đạt 77,09%, tạo đà tiếp tục phấn đấu đến năm 2025 đạt 80% và năm 2030 đạt khoảng 85%.
Giai đoạn 2021-2025, Bình Phước phấn đấu thu hút đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài khoảng 170.000 tỷ đồng; trong đó, huy động từ khu vực kinh tế tư nhân (kể cả xã hội hóa và đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là 120.000 tỷ đồng.
Năm 2024, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 1.100 doanh nghiệp; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ít nhất 10% so với năm 2023.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước Bùi Thị Minh Thúy cho biết, Bình Phước đang hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
Đối tượng hỗ trợ là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 28/6/2021 của Chính phủ.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa căn cứ vào hiện trạng và nhu cầu đổi mới công nghệ, nhu cầu tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; nhu cầu tư vấn thủ tục, xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh mới tiến hành đề xuất phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp và các quy định.
Tỉnh hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn xác lập quyền sở hữu trí tuệ; tư vấn quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn tìm kiếm, lựa chọn, giải mã và chuyển giao công nghệ phù hợp với doanh nghiệp nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.
Bình Phước hỗ trợ 100% chi phí sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 20 triệu đồng/năm/doanh nghiệp; hỗ trợ tối đa 50% chi phí thuê mặt bằng tại các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 5 triệu đồng/tháng/doanh nghiệp. Thời gian hỗ trợ tối đa là 3 năm kể từ ngày doanh nghiệp ký hợp đồng thuê mặt bằng.
Tỉnh hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước nhưng không quá 30 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.
Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về xây dựng bản mô tả sáng chế, bản thiết kế kiểu dáng công nghiệp, bản thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu nhưng không quá 30 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.
Cùng đó, tỉnh hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.
Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn xác lập chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.
Bình Phước còn hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở nhưng không quá 10 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp và xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.
Hỗ trợ tối đa 50% chi phí thử nghiệm mẫu phương tiện đo; chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; chi phí cấp dấu định lượng của hàng đóng gói sẵn, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường nhưng không quá 10 triệu đồng/năm/doanh nghiệp.
Địa phương cũng hỗ trợ tối đa 50% chi phí thử nghiệm sản phẩm mới tại các đơn vị, tổ chức thử nghiệm sản phẩm hàng hóa nhưng không quá 30 triệu đồng/năm/doanh nghiệp.
Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.
Ngoài ra, để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như thu hút đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân, theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, Bình Phước ưu tiên thực hiện hiệu quả các chương trình đột phá quan trọng về cải cách thủ tục hành chính, xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.
Hàng năm, tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh như PCI, Par Index, PAPI… để có các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đồng thời, duy trì hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh để có hướng hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư được thường xuyên rà soát, cập nhật để ban hành, điều chỉnh, bổ sung chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh./.
Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.