Bình Phước: Thu hồi số tiền vi phạm của phó giám đốc Sở

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã ký Quyết định về việc thu hồi số tiền vi phạm đối với phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Phước. 

Ông Trần Văn Vân, giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước cho biết, chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm đã ký Quyết định số 251/QĐ-UBND về việc thu hồi số tiền vi phạm nộp vào ngân sách Nhà nước đối với ông Đoàn Thế Nam, phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Phước.

Hiện ông Đoàn Thế Nam đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để thực hiện đúng theo quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Tại điều 1, Quyết định ghi rõ thu hồi số tiền 100.520.000 đồng nộp vào ngân sách Nhà nước đối với ông Đoàn Thế Nam, phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Lý do thu hồi: Ông Đoàn Thế Nam đã chủ quan trong công tác quản lý, nóng vội ký hợp đồng bán rừng tràm không đúng quy trình; các vấn đề phát sinh không kịp thời báo cáo với giám đốc Sở, lãnh đạo Sở để xin chủ trương giải quyết; tự ý thỏa thuận và nhận tiền bán rừng tràm của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh chuyển cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đạt Lâm trong lúc không còn là Giám đốc Trung tâm và trong khi Công ty này đã vi phạm hợp đồng khai thác chưa được xử lý, gây thất thoát tài sản và tiền của Nhà nước.

Theo điều 2 của Quyết định, ông Đoàn Thế Nam có trách nhiệm nộp số tiền nói trên vào tài khoản của Sở Tài chính tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Phước theo đúng thời hạn quy định hiện hành, nếu quá thời hạn mà không nộp tiền sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Năm 2002, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước quyết định cho trồng cây tràm Melaleuca trên 16,31ha đất xung quanh và trên 2 ốc đảo nhỏ của lòng hồ thủy điện Thác Mơ (thị xã Phước Long) để phòng hộ và chống xói mòn đất. Đây là đề tài cấp tỉnh, do tỉnh cấp kinh phí và giao Sở Khoa học và Công nghệ Bình Phước thực hiện.

Năm 2007, đề tài thực hiện xong, Ủy ban Nhân dân tỉnh chấp thuận giao cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Bình Phước trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh quản lý.

Ngày 15/12/2011, được sự chấp thuận của Ủy ban Nhân dân tỉnh, ông Đoàn Thế Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, hiện giữ chức phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Phước đã ký hợp đồng kinh tế số 06/HĐKT với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đạt Lâm khai thác tại lòng hồ thủy điện Thác Mơ với mục đích khai thác sản phẩm là rừng tràm bán ngập để thu hồi kinh phí thực hiện đề tài.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, nghĩa vụ các bên theo cam kết trong hợp đồng (06/HĐKT) chưa hoàn tất, đầy đủ thì ngày 18/4/2012, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước ra công văn số 1140/UBND-KTN thu hồi công văn 3738 và giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương hữu quan tính toán, so sánh giữa việc khai thác tỉa thưa nhưng vẫn đảm bảo vai trò phòng hộ, từ đó nhân rộng mô hình báo cao đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét quyết định.

Trong khi Sở Khoa học và Công nghệ chưa thực hiện các chỉ đạo thì tháng 5/2012, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đạt Lâm tự ý đưa phương tiện, thiết bị ồ ạt vào khai thác trái phép vườn tràm khi chưa có chủ trương của tỉnh và giấy phép khai thác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sự việc bị phát hiện, Hạt Kiểm lâm thị xã Phước Long đã đến kiểm tra hiện trường tại lòng hồ thủy điện Thác Mơ, phát hiện Công ty Đạt Lâm đang khai thác số gỗ tràm nên đã đình chỉ khai thác. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm thị xã Phước Long còn tịch thu một số máy móc, phương tiện dùng để khai thác rừng tràm trên của Công ty Đạt Lâm.

Theo kết quả giám định, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đạt Lâm đã khai thác những cây lớn, đốt cháy cành lá. Số lượng gỗ đã khai thác khoảng 400 ste, số lượng gỗ đã vận chuyển khỏi hiện trường 250 ste, số lượng gỗ còn lại hiện trường 150 ste. Tổng diện tích đã khai thác 10ha gồm 1 đảo và các vùng ven lòng hồ. Còn lại nguyên 1 đảo và một số đoạn ven lòng hồ chưa khai thác khoảng 8ha.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước, việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đạt Lâm tự ý khai thác vườn tràm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái; cần có thêm thời gian để xem xét khả năng tái sinh của cây./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục