Bình Thuận, Bến Tre: Tạm dừng hoạt động DN không đảm bảo phòng dịch

Tỉnh Bình Thuận và tỉnh Bến Tre đề nghị các doanh nghiệp phải rà soát, đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh đảm bảo phòng chống dịch, nếu không sẽ bị tạm dừng hoạt động.
Bình Thuận, Bến Tre: Tạm dừng hoạt động DN không đảm bảo phòng dịch ảnh 1Khu vực nhà ăn tập thể được sắp xếp theo quy định giãn cách sẽ là nơi phục vụ miễn phí 3 bữa ăn hàng ngày cho người lao động trong thời gian "cắm chốt" tại công ty. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Sáng 17/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận có văn bản khẩn gửi các đơn vị liên quan về việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã La Gi.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, để phòng, chống dịch COVID-19 trong khi vẫn duy trì các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp liên tục, không đứt gãy chuỗi sản xuất, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, thực hiện nghiêm việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc, nơi ở tập trung của người lao động; chủ động rà soát, hoàn chỉnh phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, những ngày gần đây xuất hiện nhiều ca nghi nhiễm mới trong cộng đồng, có nguy cơ lây lan cao.

Với phương châm sức khỏe của nhân dân là trên hết, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân thị xã La Gi chỉ đạo các doanh nghiệp có các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và các trường hợp tiếp xúc gần (F1) tạm dừng ngay các hoạt động và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng triển khai công tác truy vết, khoanh vùng và xử lý kịp thời để không chế, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

[TP.HCM: Doanh nghiệp không đảm bảo phòng dịch phải dừng hoạt động]

Đối với các doanh nghiệp còn lại, tạm ngưng hoạt động kể từ 00 giờ ngày 18/7 để rà soát, xây dựng 1 trong 2 phương án tổ chức sản xuất hoặc kết hợp đồng thời cả 2 phương án: Phương án 1, bố trí nơi ăn, nơi nghỉ cho người lao động ngay tại doanh nghiệp theo phương châm “3 tại chỗ - sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ.”

Phương án 2, theo phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”: chỉ 1 cung đường vận chuyển tập trung người lao động từ nơi sản xuất đến nơi ở (có thể chọn khu nhà trọ tập trung, ký túc xá, khách sạn, nhà nghỉ, chỗ ở tập trung cho người lao động).

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân thị xã La Gi phối hợp với Sở Y tế và các ngành chức năng liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của từng doanh nghiệp. Những doanh nghiệp bảo đảm phương án tổ chức sản xuất an toàn sẽ được phép hoạt động; những doanh nghiệp không đảm bảo thì kiên quyết tạm ngưng hoạt động.

Cũng trong sáng 17/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương hỗ trợ, phối hợp để đưa người dân tỉnh Bình Thuận trở về quê hương được thuận lợi, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Bình Thuận, tính đến sáng ngày 17/7, toàn tỉnh đã ghi nhận 54 trường hợp mắc COVID-19, trong đó thị xã La Gi có 34 trường hợp.

Tại Bến Tre, ngày 17/7, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre Châu Văn Bình cho biết Sở vừa ban hành công văn gửi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về việc dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khi không đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre Châu Văn Bình, từ nay đến ngày 20/7 tới, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải rà soát, đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh đảm bảo theo “4 tại chỗ” gồm: sản xuất tại chỗ-ăn tại chỗ-nghỉ tại chỗ-phòng, chống dịch bệnh tại chỗ.

Đồng thời, doanh nghiệp triển khai test nhanh cho công nhân làm trong doanh nghiệp mình, có thể hợp đồng với đơn vị y tế tư nhân (có pháp nhân) có đủ năng lực để tổ chức xét nghiệm.

Sau ngày 20/7/2021, doanh nghiệp nào không bảo đảm được “4 tại chỗ” sẽ tạm ngưng hoạt động đến khi có thông báo mới.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre cho biết trước mắt, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực đặc thù, cung cấp các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho xã hội như điện lực, viễn thông, ngân hàng, bưu điện, cấp nước, thủy lợi, công trình đô thị, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm chưa thực hiện “4 tại chỗ,” nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm các giải pháp phòng dịch cho người lao động theo đúng quy định.

Các doanh nghiệp còn lại, nếu sử dụng lao động trên 10 người, phải khẩn trương xây dựng phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất” theo phương châm 4 tại chỗ.

Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre yêu cầu các doanh nghiệp sắp xếp, bố trí khu lưu trú dã chiến cho công nhân nghỉ tại cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc nơi lưu trú tập trung riêng do doanh nghiệp bố trí.

Các doanh nghiệp có giải pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của công nhân (khu nhà trọ tập trung, nhà nghỉ, khách sạn,…), đảm bảo kiểm soát các lối ra vào, cung ứng các hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày, vật tư y tế cần thiết, dung dịch sát khuẩn, tổ chức phương tiện đưa đón công nhân hàng ngày; hệ thống giám sát nhằm đảm bảo công nhân không tự do di chuyển khỏi khu lưu trú tập trung trong thời gian nghỉ ngơi.

Về điều kiện khu lưu trú tập trung, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre đề nghị các doanh nghiệp đảm bảo yêu cầu theo mục 1, phần II, Phụ lục 2- Yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 ở nhà trọ, khu nhà trọ cho người lao động, ban hành kèm theo Quyết định số 2787/QĐ-BYT, ngày 05/6/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đấy mạnh tuyên truyền, quán triệt cho người lao động và tổ chức thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch tại doanh nghiệp, nhằm ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi và chấm dứt dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; đảm bảo thực hiện tốt “ mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre, từ đầu năm đến nay, tỉnh có 320 doanh nghiệp và 180 đơn vị trực thuộc thành lập mới, với vốn đăng ký 4.000 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch và tăng 60% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ.

Đến nay, Bến Tre có 5.440 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký hơn 50.651 tỷ đồng; trong đó, có 4.313 doanh nghiệp đang hoạt động, với vốn đăng ký hơn 46.064 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục