Bình Thuận: Du lịch văn hóa tâm linh hút khách dịp đầu Xuân

Các điểm du lịch tâm linh và danh thắng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thu hút đông đảo du khách ở nhiều lứa tuổi đến dâng lễ, cúng cầu phúc lành, may mắn và kết hợp du Xuân.
Bình Thuận: Du lịch văn hóa tâm linh hút khách dịp đầu Xuân ảnh 1Dinh Thầy Thím ở Bình Thuận. (Nguồn: Luhanhvietnam)

Đi lễ đình, đền, chùa, dinh… đầu năm là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt.

Những ngày đầu Xuân, các điểm du lịch tâm linh và danh thắng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thu hút đông đảo du khách ở nhiều lứa tuổi đến dâng lễ, cúng cầu phúc lành, may mắn và kết hợp du Xuân, tham quan.

Thời điểm này cũng được coi là "thời điểm vàng” của mùa du lịch tâm linh trong năm.

Khu di tích lịch sử văn hóa Dinh Thầy Thím ở xã Tân Tiến, thị xã La Gi, từ lâu đã trở thành một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng được nhiều người dân địa phương và du khách gần xa tìm đến hành hương kết hợp du lịch mỗi dịp Xuân về.

Đây là nơi hội tụ tín ngưỡng của đông đảo người dân gắn liền với sự tích Thầy Thím là một truyền thuyết dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Nội dung mang nhiều yếu tố tích cực và có giá trị giáo dục, đề cao tính nhân nghĩa, đạo đức, nhân cách cao cả qua nhân vật Thầy Thím.

Bên cạnh đó, lối kiến trúc độc đáo của Dinh, không khí mát mẻ và bãi biển ngảnh Tam Tân cũng rất lôi cuốn du khách.

Anh Hồ Văn Oai, đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ đi dâng lễ cúng, hành hương đầu năm là hoạt động mang tính văn hóa dân gian đã trở thành thói quen của mỗi người, nhất vào dịp Rằm tháng Giêng với cầu mong gia đạo bình an, làm ăn no đủ, sung túc.

[Du lịch Bình Thuận kỳ vọng phục hồi tốt hơn từ dịp Tết Nguyên đán]

Ngoài ra, chuyến du Xuân đầu năm cũng là dịp để gia đình có cơ hội vui chơi cùng nhau, tạo năng lượng mới để lao động, học tập hăng say, hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Hai, Trưởng ban quản lý Khu di tích lịch sử, văn hóa Dinh Thầy Thím cho biết từ sau dịch nói chung và trong dịp Tết nói riêng, lượng khách đến Dinh tăng cao hơn so với mọi năm.

Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, khu di tích đón hơn 20.000 lượt khách đến tham quan, dâng lễ, tăng từ 30-40% so với mọi năm. Lượng khách vẫn tiếp tục tăng trong dịp Rằm tháng Giêng năm nay và có thể kéo dài cho đến hết tháng Giêng.

Mặc dù khách đông nhưng các hoạt động diễn ra trật tự, không có cảnh xô đẩy, chen lấn. Để đảm bảo an toàn, Ban quản lý Khu di tích đã chủ động triển khai các kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19; phục vụ, đón tiếp du khách chu đáo, vệ sinh môi trường, phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tăng cường đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ...

Khu du lịch TTC World-Tà Cú, huyện Hàm Thuận Nam chính thức mở cửa đón khách trở lại từ tháng 12/2021.

Thích ứng với tình hình dịch COVID-19, Khu du lịch hướng tới xây dựng “điểm đến xanh” gắn với triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, vừa đảm bảo an toàn cho du khách, vừa từng bước khôi phục hoạt động du lịch.

Không chỉ được biết đến như một thắng cảnh du lịch sinh thái, Khu du lịch TTC World-Tà Cú còn là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn của Bình Thuận với ngôi chùa Linh Sơn Trường Thọ tồn tại hàng trăm năm và tượng Phật Thích Ca dài 49m, cao 11m.

Vào dịp lễ, Tết, ngày rằm, khu du lịch đón hàng nghìn lượt khách về tham quan chiêm bái.

Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, đã có hơn 12.000 lượt khách tham quan, vãn cảnh và dâng hương cúng lễ, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, hầu hết là khách nội địa. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch huyện Hàm Thuận Nam nói riêng và Bình Thuận nói chung.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Bình Thuận hiện có hơn 70 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Để thu hút khách về các điểm du lịch tâm linh, khu di tích văn hóa, trong những năm qua, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực cũng như đẩy mạnh các nguồn xã hội hóa thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa, lịch sử các di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, hầu hết các di tích quốc gia và 50% di tích cấp tỉnh đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo, qua đó không chỉ bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa vật thể, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần, mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương.

Nhiều di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh và lễ hội truyền thống, văn hóa tiêu biểu của địa phương đã được nghiên cứu, khôi phục, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị, góp phần giới thiệu, quảng bá phát triển hoạt động du lịch văn hóa, tâm linh thu hút đông đảo du khách đến với Bình Thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục