Sáng 22/12, tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận), Tổng cục Thủy sản phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP- GEF SGP), Ủy ban Nhân dân huyện Hàm Thuận Nam và Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn VinGroup) tổ chức khởi công công trình thả phao đánh dấu vùng biển đồng quản lý.
Dự án công trình thả phao đánh dấu vùng biển đồng quản lý gồm 23 phao neo với tổng nguồn vốn thực hiện hơn 1,3 tỷ đồng, trong đó Quỹ Thiện Tâm tài trợ 915 triệu đồng; số còn lại là nguồn vốn ngân sách huyện Hàm Thuận Nam cùng các bên liên quan thực hiện đầu tư.
Hệ thống phao bao gồm phao trung tâm là phao sắt (3 điểm), phao đánh dấu bằng nhựa (20 điểm) và sử dụng hệ thống neo rùa tetrapod trọng lượng khoảng 5 tấn/neo.
[Tiếp nhận 18 thuyền viên tàu hàng bị nạn trên vùng biển Bình Thuận]
Bà Lê Thị Bích Liên, Bí thư huyện ủy Hàm Thuận Nam cho biết đây là dự án có ý nghĩa to lớn đối với Hội cộng đồng ngư dân các xã, không chỉ giúp xác định ranh giới vùng biển thực hiện đồng quản lý mà còn góp phần giảm thiểu, ngăn chặn hoạt động của nghề cấm; từ đó tạo nơi sinh sống, sinh sản cho nguồn lợi thủy sản; từng bước hình thành các điểm để xây dựng mô hình du lịch câu cá giải trí kết hợp nuôi trồng thủy sản để tạo nguồn thu bền vững cho các Hội cộng đồng ngư dân 3 xã vùng biển huyện Hàm Thuận Nam.
Mặt khác dự án này đã phát huy, hỗ trợ cho chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền phát huy mạnh mẽ ngư dân tham gia quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm xung đột lợi ích trong cộng đồng và góp phần phát triển kinh tế biển, vùng biển một cách bền vững.
Hàm Thuận Nam là huyện bãi ngang ven biển thuộc tỉnh Bình Thuận, chiều dài đường bờ biển khoảng 23,5km, chạy dọc ba xã Thuận Quý, Tân Thành và Tân Thuận.
Hiện nay, tổng số tàu cá đang tham gia hoạt động khai thác trên biển là 135 chiếc, ngoài ra trên địa bàn có 514 chiếc thuyền thúng đang tham gia khai thác tại vùng biển ven bờ.
Trước tình hình sản lượng khai thác thủy hải sản ngày càng giảm do quá trình thai thác, quản lý bảo vệ nguồn lợi chưa tốt và ảnh hưởng biến đổi khí hậu, năm 2017, với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP cùng với sự nỗ lực, giúp đỡ của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của ngư dân, Dự án mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ đã được triển khai tại 3 xã: Thuận Quý, Tân Thành và Tân Thuận.
Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 3 Hội cộng đồng ngư dân với 288 thành viên tham gia, thực hiện mô hình đồng quản lý trên diện tích biển được giao quyền là 43,4km2.
Bước đầu, mô hình đồng quản lý thực hiện ngày càng ổn định và mang lại nhiều kết quả khả quan như khôi phục lại nguồn lợi sò lông tại xã Thuận Quý, các loại hải sản đã di trú đến, các bãi rạn, bãi san hô ngầm được bảo vệ từ đó giúp nguồn lợi thủy sản sinh sôi, phát triển, góp phần tăng thêm thu nhập cho ngư dân vùng biển./.