Bình Thuận phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030

Mục tiêu của Đề án là phát triển nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện môi trường sinh thái; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung, hướng đến xuất khẩu.
Bình Thuận phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải vừa ký ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Mục tiêu của Đề án là phát triển nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung, hướng đến xuất khẩu.

Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Tỉnh đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, tiến tới nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, bền vững.

Cụ thể, đến năm 2025, diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ của toàn tỉnh đạt khoảng 1,5-2,0% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1,0-1,3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong tỉnh. Diện tích nuôi thủy sản hữu cơ đạt khoảng 1,0- 1,2% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh. Tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ đạt trên 15% tổng phân bón được sử dụng trên địa bàn tỉnh.

Sản phẩm dược liệu và lâm sản ngoài gỗ từ tự nhiên, tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng 90-95%, đối với hình thức thâm canh tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng 75-80%.

[Sơn La: Liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không chất thải]

Nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ, giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ trên một đơn vị diện tích cao gấp 1,3-1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

Đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ toàn tỉnh đạt khoảng 2,5-3,0% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2,0-3,0% tổng sản phẩm chăn nuôi của tỉnh. Diện tích nuôi thủy sản hữu cơ đạt khoảng 2,5-3,0% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh.

Nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ, giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ trên một đơn vị diện tích cao gấp 1,5-1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

Để đạt được các mục tiêu trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân các chính sách pháp luật, các tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ để tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong sử dụng; nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất và nhà quản lý về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, giám sát, chứng nhận nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Tỉnh tăng cường thông tin, phổ biến, giới thiệu người sản xuất tiếp cận các kết quả, các mô hình phát triển và các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Quá trình tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải được thực hiện tập trung nhằm thúc đẩy liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác để tập trung ruộng đất và tổ chức sản xuất hữu cơ, hình thành vùng sản xuất hữu cơ hàng hóa quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, quy trình sản xuất tiên tiến, tạo ra sản phẩm hữu cơ đồng nhất về chất lượng gắn với chế biến, tiêu thụ.

Tỉnh vận động nông dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tăng cường sử dụng vật liệu sẵn có, tái sử dụng, khép kín chu trình trong khu vực sản xuất tạo tiền đề cho sự phát triển nông nghiệp hữu cơ ổn định, bền vững.

Trong tiêu thụ sản phẩm, tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Tỉnh tập trung tổ chức các hội nghị, diễn đàn kết nối thị trường, đa dạng hóa các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; đưa sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vào các kênh phân phối tại hệ thống các siêu thị, sàn thương mại điện tử, cửa hàng tiện ích và chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn và từng bước định hướng xuất khẩu.

Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Đẩy mạnh phát triển thị trường nông sản hữu cơ tại chỗ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục