Sơn La: Liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không chất thải

Toàn bộ chất thải từ chăn nuôi đại gia súc được khai thác, xử lý vi sinh và liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn thu mua vỏ càphê, vỏ sắn để phối trộn nuôi giun trùn quế, sản xuất ân bón hữu cơ.
Sơn La: Liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không chất thải ảnh 1(Ảnh minh họa: Hồng Thái/TTXVN)

Tại Sơn La, mô hình kinh tế tuần hoàn đang là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp và bước đầu đã mang lại hiệu quả.

Điển hình là hợp tác xã nông nghiệp Sơn La (huyện Mai Sơn) đã liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn tận dụng tối đa phế phụ phẩm nông nghiệp trong sản xuất để triển khai mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không chất thải, chăn nuôi đại gia súc - nuôi trùn quế - sản xuất phân bón hữu cơ.

Từ đó, hợp tác xã nông nghiệp Sơn La nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường và tạo ra các nông sản an toàn.

Thành lập năm 2021, hợp tác xã nông nghiệp Sơn La có gần 30 thành viên, chủ yếu là đội ngũ kỹ sư nông nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Với mục sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sạch, an toàn và phát triển theo chuỗi liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác xã đã đầu tư nuôi gần 900 con bò 3B thương phẩm, 300 con bò sinh sản.

Toàn bộ chất thải từ chăn nuôi đại gia súc được khai thác, xử lý vi sinh và liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn thu mua vỏ càphê, vỏ sắn để phối trộn nuôi giun trùn quế, sản xuất ra phân bón hữu cơ.  

Ông Trần Quang Trực, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Sơn La cho biết, việc liên kết tuần hoàn có lợi cho doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp xử lý được phụ phẩm không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng nguồn phế phẩm đó quay ngược lại để nuôi giun trùn quế.

[Mô hình kinh tế tuần hoàn: Hướng đi tất yếu của chăn nuôi hiện đại]

Tham gia liên kết sản xuất khép kín, hợp tác xã và các doanh nghiệp đều được hưởng lợi, chất thải và phế phẩm càphê, vỏ sắn sau chế biến được xử lý, đảm bảo môi trường.

Sản phẩm phân bón hữu cơ trùn quế dùng trong sản xuất giúp cải tạo đất, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm của hợp tác xã, đáp ứng các tiêu chuẩn của đối tác.  

Chị Đặng Thị Hà, Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La thông tin, trong quá trình chế biến càphê, công ty còn thu được vỏ. Phần này, công ty ký hợp đồng liên kết với công ty phân bón Sông Lam, hợp tác xã nông nghiệp Sơn La để họ thu phần vỏ và làm phân bón. Sau đó, công ty sẽ lấy lại và bón cho vườn thực nghiệm trồng càphê.

Hiện nay, phân bón hữu cơ của hợp tác xã nông nghiệp Sơn La đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số lưu hành, đảm bảo về các yếu tố dinh dưỡng cho cây trồng.

Hợp tác xã nông nghiệp Sơn La hiện đang cung cấp phân bón hữu cơ cho các chuỗi trồng rau sạch tại địa bàn huyện Mộc Châu, thành phố Sơn La... và các hộ trồng, chăm sóc cây ăn quả, cây cảnh trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Năm 2022, doanh thu của hợp tác xã đạt 32 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 30 lao động địa phương.

Phó giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Sơn La Trần Đức Miền thông tin, trong những năm tiếp theo, hợp tác xã sẽ triển khai nhân rộng mô hình.

Mở rộng quy mô liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, bền vững, hợp tác xã nông nghiệp Sơn La đang nghiên cứu và ứng dụng các phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp khác đưa vào chuỗi sản xuất nuôi trùn quế khép kín; phát triển các sản phẩm bột trùn quế, dịch trùn quế và trùn quế tinh ứng dụng trong sản xuất, chăn nuôi nông nghiệp.

Phát triển kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới bởi chính những lợi ích về cả kinh tế, môi trường và xã hội mà nó được kỳ vọng mang lại như tạo ra cơ hội tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giảm tác động môi trường, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngành chăn nuôi với khối lượng chất thải hàng vài trăm triệu tấn/năm (cả chất thải rắn, chất thải lỏng, chất thải không khí). Do đó, Việt Nam cần làm thế nào để sử dụng cho hợp lý để đảm bảo 3 yếu tố: không gây ô nhiễm môi trường; không để hiệu ứng khí nhà kính; tái sử dụng tham gia vào chuỗi tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế.

Theo Tiến sỹ Võ Trọng Thành, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, Việt Nam có nhiều quy định, pháp luật, chính sách liên quan đến phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn như Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Chăn nuôi 2018, Luật Trồng trọt 2018…

Theo định hướng kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi phải gắn với trồng trọt và các ngành khác để hình thành chuỗi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Từ xưa đến nay, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở Việt Nam hiện có 3 mô hình chủ yếu là mô hình tạo và dùng khí đốt từ chất thải, nước thải trong chăn nuôi, trồng trọt; mô hình tuần hoàn lấy phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm chất xúc tác hay tạo ra các sản phẩm có giá trị khác và mô hình tiết chế hoá.

Theo thời gian và sự phát triển của ngành sản xuất nông nghiệp, các mô hình được sử dụng chủ yếu gồm có mô hình vườn ao chuồng (VAC); mô hình luân canh lúa-tôm, lúa-cá; sản xuất phân hữu cơ từ khí thải nông nghiệp; sản xuất tổng hợp bò-trùn quế-cỏ/ngô-gia súc, gia cầm-cá; chăn nuôi an toàn sinh học 4F; vòng tuần hoàn xanh trong các trang trại bò sữa; nuôi thủy sản với công nghệ tuần hoàn nước.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục