Đang là hiệu phó một trường ở chốn thị thành (thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau), nhưng khi nghe một người bạn kể về những đứa trẻ chân đất, thất học nơi Đất Mũi, cô Thêm đã tìm về tận nơi để rồi không thể cầm lòng trước những đôi mắt trẻ thơ ngây ngơ ngác, những khuôn mặt hồn nhiên lấm lem bùn đất.
Từ bỏ chức vị, cũng là từ bỏ bao công sức phấn đấu, cô khăn gói về Đất Mũi dựng trường, mở lớp.
Đi 45 km để... học mẫu giáo
Ra trường, cô Nguyễn Thanh Thêm về công tác tại thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau). Chỉ sau 2 năm công tác, cô được bổ nhiệm làm hiệu phó, tương lai rộng mở.
Một ngày năm 1999, người bạn đang công tác tại Bưu điện xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) vượt 45 km đường sông, đưa con mới 4 tuổi đến nhà cô Thêm gửi để con được học mẫu giáo. Trò chuyện với bạn, được bạn kể cho nghe về những đứa trẻ nơi Đất Mũi phải lang thang vì không trường không lớp, cô Thêm chợt thấy xao lòng. Cô quyết định làm một chuyến thực địa về nơi tận cùng cực Nam của Tổ quốc, nơi mà người ta vẫn gọi là Đất Muỗi vì ban đêm muỗi kêu như sáo thổi.
Ở đây, các em nhỏ không có nơi vui chơi, học tập mà chỉ lang thang với bùn, đất. Trò chơi của các em là mò tôm, bắt ốc. “Hình ảnh đó hằn sâu trong tâm trí và cứ hiển hiện trước mắt tôi. Trở về từ Đất Mũi, tôi luôn trằn trọc suy nghĩ phải làm gì để giúp các em ở nơi đây, một vùng sâu xa xôi, hẻo lánh, làm gì để các em được đến trường, được bi bô tiếng hát, ê a tiếng đánh vần, học chữ như bao trẻ khác?” cô Thêm chia sẻ.
Thế rồi cô hiệu phó trẻ làm đơn tình nguyện xin lãnh đạo phòng giáo dục về Đất Mũi mở trường mẫu giáo. Từ một cán bộ quản lý ở một thị trấn có khá đầy đủ các phương tiện dạy và học, xin đi vùng sâu, cô không tránh khỏi sự ngỡ ngàng và cả những lời bàn tán của bạn bè, đồng nghiệp. Nhưng chính tình yêu nghề sâu sắc, tình thương mến các em nhỏ nơi đây đã thôi thúc trái tim cô. Được sự sẻ chia động viên của người thân, cô quyết tâm góp một phần nhỏ bé của mình cho quê hương Đất Mũi.
Nhớ về những ngày đầu tiên dựng trường, mở lớp, cô Thêm không khỏi xúc động: “Đến đây, tôi mới thấy được bao khó khăn, thử thách đang trực chờ mình.” Lớp học không có, cô mượn phòng của trụ sở ủy ban cũ với 36m2 làm nơi dạy học sinh, không sân chơi, không hàng rào, không cây xanh bóng mát. Ban ngày đây là lớp học, tối đến là nơi nghỉ và sinh hoạt của cô.
Đã có phòng học, nhưng đặc thù ở đây là hàng năm cứ vào khoảng tháng 10 đến tháng 12 là mùa nước thủy triều dâng, nước ngập vào lớp học, đem theo lớp phù sa kèm với các loại rác trôi nổi bập bềnh, đầy những con rắn nước và côn trùng. Phải chờ cho nước rút, lụi hụi quét dọn, lau chùi, chờ khô bàn ghế rồi cô trò mới học được. Mỗi lần ngập nước kéo dài 3 đến 4 ngày, mỗi tháng lại có đến 2 lần nước ngập.
Điều kiện học tập, sinh hoạt cũng rất khó khăn. Không có điện, mỗi tối, cô lại cặm cụi soạn giáo án bên ánh đèn dầu. Để có nước ngọt vệ sinh cho học trò và phục vụ sinh hoạt bản thân, cô phải đi xa 3, 4 cây số chở nước về.
Trò đi học, cô mừng rơi nước mắt
Thiếu thốn vật chất đủ bề, nhưng với cô Thêm, khó khăn lớn nhất mà cô gặp phải là nhận thức của chính quyền cũng như bà con nơi đây. Họ quan niệm đi học mẫu giáo chỉ là đến ca hát vài bài, không được học chữ, mẹ vừa làm việc nhà vừa chăm con nên việc trẻ đến trường là không cần thiết.
Cô Thêm vẫn không thể quên những ngày đầu mở lớp, để có học sinh đến lớp, cô phải đi đến từng nhà bà con để tuyên truyền, vận động họ đưa các cháu đến trường.
Học sinh đến trường, xa cha mẹ, thấy cô giáo lạ nên các cháu cứ khóa òa lên như đàn ong vỡ tổ rồi bỏ chạy. Có cháu trốn vào rừng, ngủ quên dưới gốc cây. Cô và cả gia đình lại đổ đi tìm.
Chỉ có một mình đối mặt với biết bao khó khăn thách thức, nhưng với tình yêu thương vô bờ bến của cô giáo trẻ dành cho những em nhỏ nơi Đất Mũi, cô luôn tự nhủ mình phải nỗ lực vượt qua.
“Được 24 trẻ, lớp học mầm non đầu tiên, tôi vui đến rơi nước mắt,” cô Thêm xúc động nói. Vui đấy, nhưng cô cũng lo lắng không sao ngủ được bởi điều kiện ở đây quá khó khăn. Làm sao để duy trì lớp học? Làm sao để nâng cao chất lượng giảng dạy cho học trò?
Có một lớp, cô lại ước có thêm hai lớp, ước một mái trường khang trang đúng nghĩa cho các em, ước có nhiều giáo viên đến với các em hơn.
Nghĩ là làm, cô nỗ lực tìm đủ nguồn kinh phí, từ chính quyền, từ phụ huynh, từ các mạnh thường quân, các tổ chức xã hội để xây trường. Đủ tiền xây trường đã khó, tìm được giáo viên dạy còn khó hơn vì không mấy người muốn ở lại một nơi quá nhiều thiếu thốn như Đất Mũi.
Vận động mãi họ mới về, rồi lại lần lượt nhất quyết ra đi vì không vượt qua được khó khăn. Người bỏ việc, người xin chuyển về nơi khác. Có những cô giáo về chỉ dạy được 4 ngày. “Tôi lại phải đến gặp từng người, bình tĩnh và nhẫn nại, trao đổi phân tích cho họ hiểu đối với các trẻ ở vùng sâu chúng ta nên cố gắng vượt khó để tuổi thơ của các em được đến trường học hành như bao trẻ khác. Các em đang khao khát, chờ đợi ở chúng ta,” cô Thêm chia sẻ.
Sau 13 năm phấn đấu, từ một căn phòng chật hẹp, chỉ có một phòng học với 1 cô giáo, 24 trẻ đến nay, nếu có dịp đến nơi chót cùng của Tổ quốc – Mũi Cà Mau – nhiều người sẽ ngạc nhiên thấy một ngôi trường mẫu giáo khang trang tọa lạc ngay bìa rừng phòng hộ với 5 phòng học, 8 giáo viên và 123 trẻ.
“Những điều tôi làm được chỉ là một phần trong vô vàn những kinh nghiệm quản lý của các thầy cô trong ngành đã làm. Thời gian qua đi, với tôi những gì đã có hiện giờ là ngôi trường nơi cực nam của Tổ quốc, khang trang và thân thiện. Tôi tự hào là mình đã cùng chung sức xây dựng thành công ngôi trường yêu quý, và hơn thế, đã chắp cánh cho bao thế hệ học sinh,” cô Thêm xúc động nói.
Với những nỗ lực không mệt mỏi vì học sinh của mình, cô Thêm vừa là đại diện duy nhất của tỉnh Cà Mau ra Hà Nội tham dự hội nghị “Gặp mặt biểu dương nữ nhà giáo tiêu biểu đang công tác tại biên giới, hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức./.
Từ bỏ chức vị, cũng là từ bỏ bao công sức phấn đấu, cô khăn gói về Đất Mũi dựng trường, mở lớp.
Đi 45 km để... học mẫu giáo
Ra trường, cô Nguyễn Thanh Thêm về công tác tại thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau). Chỉ sau 2 năm công tác, cô được bổ nhiệm làm hiệu phó, tương lai rộng mở.
Một ngày năm 1999, người bạn đang công tác tại Bưu điện xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) vượt 45 km đường sông, đưa con mới 4 tuổi đến nhà cô Thêm gửi để con được học mẫu giáo. Trò chuyện với bạn, được bạn kể cho nghe về những đứa trẻ nơi Đất Mũi phải lang thang vì không trường không lớp, cô Thêm chợt thấy xao lòng. Cô quyết định làm một chuyến thực địa về nơi tận cùng cực Nam của Tổ quốc, nơi mà người ta vẫn gọi là Đất Muỗi vì ban đêm muỗi kêu như sáo thổi.
Ở đây, các em nhỏ không có nơi vui chơi, học tập mà chỉ lang thang với bùn, đất. Trò chơi của các em là mò tôm, bắt ốc. “Hình ảnh đó hằn sâu trong tâm trí và cứ hiển hiện trước mắt tôi. Trở về từ Đất Mũi, tôi luôn trằn trọc suy nghĩ phải làm gì để giúp các em ở nơi đây, một vùng sâu xa xôi, hẻo lánh, làm gì để các em được đến trường, được bi bô tiếng hát, ê a tiếng đánh vần, học chữ như bao trẻ khác?” cô Thêm chia sẻ.
Thế rồi cô hiệu phó trẻ làm đơn tình nguyện xin lãnh đạo phòng giáo dục về Đất Mũi mở trường mẫu giáo. Từ một cán bộ quản lý ở một thị trấn có khá đầy đủ các phương tiện dạy và học, xin đi vùng sâu, cô không tránh khỏi sự ngỡ ngàng và cả những lời bàn tán của bạn bè, đồng nghiệp. Nhưng chính tình yêu nghề sâu sắc, tình thương mến các em nhỏ nơi đây đã thôi thúc trái tim cô. Được sự sẻ chia động viên của người thân, cô quyết tâm góp một phần nhỏ bé của mình cho quê hương Đất Mũi.
Nhớ về những ngày đầu tiên dựng trường, mở lớp, cô Thêm không khỏi xúc động: “Đến đây, tôi mới thấy được bao khó khăn, thử thách đang trực chờ mình.” Lớp học không có, cô mượn phòng của trụ sở ủy ban cũ với 36m2 làm nơi dạy học sinh, không sân chơi, không hàng rào, không cây xanh bóng mát. Ban ngày đây là lớp học, tối đến là nơi nghỉ và sinh hoạt của cô.
Đã có phòng học, nhưng đặc thù ở đây là hàng năm cứ vào khoảng tháng 10 đến tháng 12 là mùa nước thủy triều dâng, nước ngập vào lớp học, đem theo lớp phù sa kèm với các loại rác trôi nổi bập bềnh, đầy những con rắn nước và côn trùng. Phải chờ cho nước rút, lụi hụi quét dọn, lau chùi, chờ khô bàn ghế rồi cô trò mới học được. Mỗi lần ngập nước kéo dài 3 đến 4 ngày, mỗi tháng lại có đến 2 lần nước ngập.
Điều kiện học tập, sinh hoạt cũng rất khó khăn. Không có điện, mỗi tối, cô lại cặm cụi soạn giáo án bên ánh đèn dầu. Để có nước ngọt vệ sinh cho học trò và phục vụ sinh hoạt bản thân, cô phải đi xa 3, 4 cây số chở nước về.
Trò đi học, cô mừng rơi nước mắt
Thiếu thốn vật chất đủ bề, nhưng với cô Thêm, khó khăn lớn nhất mà cô gặp phải là nhận thức của chính quyền cũng như bà con nơi đây. Họ quan niệm đi học mẫu giáo chỉ là đến ca hát vài bài, không được học chữ, mẹ vừa làm việc nhà vừa chăm con nên việc trẻ đến trường là không cần thiết.
Cô Thêm vẫn không thể quên những ngày đầu mở lớp, để có học sinh đến lớp, cô phải đi đến từng nhà bà con để tuyên truyền, vận động họ đưa các cháu đến trường.
Học sinh đến trường, xa cha mẹ, thấy cô giáo lạ nên các cháu cứ khóa òa lên như đàn ong vỡ tổ rồi bỏ chạy. Có cháu trốn vào rừng, ngủ quên dưới gốc cây. Cô và cả gia đình lại đổ đi tìm.
Chỉ có một mình đối mặt với biết bao khó khăn thách thức, nhưng với tình yêu thương vô bờ bến của cô giáo trẻ dành cho những em nhỏ nơi Đất Mũi, cô luôn tự nhủ mình phải nỗ lực vượt qua.
“Được 24 trẻ, lớp học mầm non đầu tiên, tôi vui đến rơi nước mắt,” cô Thêm xúc động nói. Vui đấy, nhưng cô cũng lo lắng không sao ngủ được bởi điều kiện ở đây quá khó khăn. Làm sao để duy trì lớp học? Làm sao để nâng cao chất lượng giảng dạy cho học trò?
Có một lớp, cô lại ước có thêm hai lớp, ước một mái trường khang trang đúng nghĩa cho các em, ước có nhiều giáo viên đến với các em hơn.
Nghĩ là làm, cô nỗ lực tìm đủ nguồn kinh phí, từ chính quyền, từ phụ huynh, từ các mạnh thường quân, các tổ chức xã hội để xây trường. Đủ tiền xây trường đã khó, tìm được giáo viên dạy còn khó hơn vì không mấy người muốn ở lại một nơi quá nhiều thiếu thốn như Đất Mũi.
Vận động mãi họ mới về, rồi lại lần lượt nhất quyết ra đi vì không vượt qua được khó khăn. Người bỏ việc, người xin chuyển về nơi khác. Có những cô giáo về chỉ dạy được 4 ngày. “Tôi lại phải đến gặp từng người, bình tĩnh và nhẫn nại, trao đổi phân tích cho họ hiểu đối với các trẻ ở vùng sâu chúng ta nên cố gắng vượt khó để tuổi thơ của các em được đến trường học hành như bao trẻ khác. Các em đang khao khát, chờ đợi ở chúng ta,” cô Thêm chia sẻ.
Sau 13 năm phấn đấu, từ một căn phòng chật hẹp, chỉ có một phòng học với 1 cô giáo, 24 trẻ đến nay, nếu có dịp đến nơi chót cùng của Tổ quốc – Mũi Cà Mau – nhiều người sẽ ngạc nhiên thấy một ngôi trường mẫu giáo khang trang tọa lạc ngay bìa rừng phòng hộ với 5 phòng học, 8 giáo viên và 123 trẻ.
“Những điều tôi làm được chỉ là một phần trong vô vàn những kinh nghiệm quản lý của các thầy cô trong ngành đã làm. Thời gian qua đi, với tôi những gì đã có hiện giờ là ngôi trường nơi cực nam của Tổ quốc, khang trang và thân thiện. Tôi tự hào là mình đã cùng chung sức xây dựng thành công ngôi trường yêu quý, và hơn thế, đã chắp cánh cho bao thế hệ học sinh,” cô Thêm xúc động nói.
Với những nỗ lực không mệt mỏi vì học sinh của mình, cô Thêm vừa là đại diện duy nhất của tỉnh Cà Mau ra Hà Nội tham dự hội nghị “Gặp mặt biểu dương nữ nhà giáo tiêu biểu đang công tác tại biên giới, hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức./.
Phạm Mai (Vietnam+)