Bộ Công Thương nói gì khi giá thịt lợn trong nước liên tục tăng cao?

Theo lãnh đạo Vụ thị trường trong nước-Bộ Công Thương, nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường bị đẩy lên thời gian vừa qua.
Bộ Công Thương nói gì khi giá thịt lợn trong nước liên tục tăng cao? ảnh 1Giá lợn hơi đang ở mức rất cao, dao động từ 80.000 - 90.000đ/kg. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Từ tháng 6/2019, giá thịt lợn có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay. Hiện giá lợn hơi đang ở mức rất cao, dao động từ 80.000 - 90.000đ/kg, trong khi giá thịt lợn thành phẩm có nơi đã lên tới từ 160.000 - 180.000đ/kg.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, quan điểm của Bộ là ủng hộ việc nhập khẩu thịt lợn, nhưng phải theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là nhập khẩu từ các đối tác có quan hệ thương mại hai chiều với Việt Nam, đáp ứng đủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh thú y; nhập khẩu đúng các chủng loại thịt lợn mà người dân có nhu cầu cao trong dịp Tết.

[Bộ Công Thương khẳng định theo sát diễn biến cung-cầu thịt lợn]

- Theo ông đâu là nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng mạnh thời gian gần đây?

Ông Trần Duy Đông: Theo Tổng cục thống kê, đàn lợn cả nước tháng 11/2019 giảm mạnh 22% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng.

Về nhu cầu, thời gian đầu khi xuất hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi, người tiêu dùng chưa có thông tin đầy đủ nên nhu cầu tiêu thụ giảm. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này đã bình thường trở lại và như thường lệ sẽ có xu hướng tăng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán (tăng mạnh nhất trong tháng 1/2020).

Do vậy, dự báo nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm giảm nhẹ khoảng 5-10% so với năm 2018 do giá cao, khoảng 300.000 - 320.000 tấn/tháng. Dự báo nhu cầu cho tháng 12/2019 và tháng 1/2020 khoảng 600.000 tấn.

Chưa kể, theo phản ánh của một số nhà phân phối, dù các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi lớn, khép kín như CP, Japfa đã cam kết phân phối ra thị trường một lượng thịt lợn nhất định, song con số phân phối ra thấp hơn so với cam kết khiến hụt nguồn cung.

- Với nguồn cung thiếu hụt như vậy thì tại sao Bộ Công Thương không triển khai nhập khẩu thịt lợn về để bù đắp?

Ông Trần Duy Đông: Đầu tiên, phải khẳng định, việc cấp phép nhập khẩu thịt lợn không thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương mà là của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thú y).

Thịt lợn nhập khẩu vào Việt Nam cũng phải đáp ứng 2 điều kiện, thứ nhất là chỉ cho phép nhập khẩu từ những nước đã có thỏa thuận và thống nhất với Việt Nam về yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và mẫu chứng nhận kiểm dịch thực phẩm đối với sản phẩm thịt nhập khẩu vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhập khẩu phải tuân thủ nghiêm ngặt những điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh thú y, tiêu chuẩn và mức giới hạn cho phép đối với vi sinh vật có hại, tồn dư hóa chất độc hại đối với thịt nhập khẩu được quy định tại Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, Thông tư 25/2010/TT-BNNPTNT và Thông tư 25/2016 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.

Qua theo dõi và thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng Mười cả nước nhập khẩu khoảng 17.000 tấn thịt lợn, tính chung 10 tháng nhập khẩu khoảng 96.000 tấn, tăng 102% về lượng.

Sản phẩm nhập khẩu chủ yếu nhập là thịt cắt miếng, chân giò, móng giò… từ các nước Ba Lan, Pháp, Đức, Hoa Kỳ. Đây là các quốc gia trong tổng số 24 nước mà Việt Nam và các nước ký thỏa thuận hợp tác thương mại 2 bên.

Con số này dù lớn gấp đôi cùng kỳ năm ngoái song với sản lượng thịt lợn giảm 380.000 tấn so với cùng kỳ, theo đúng con số mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố thì vẫn thiếu hụt khoảng trên dưới 300.000 tấn.

Bộ Công Thương nói gì khi giá thịt lợn trong nước liên tục tăng cao? ảnh 2Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Năm nay, dịp tết Dương lịch và Âm lịch khá gần nhau nên nhu cầu thịt lợn sẽ tăng cao. Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp gì nhằm đảm bảo cung cầu thịt lợn, bình ổn giá cho không chỉ dịp trước, trong mà còn sau Tết?

Ông Trần Duy Đông: Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương cũng như trước diễn biến phức tạp của thị trường mặt hàng thịt lợn, các địa phương đều rất quan tâm đến bình ổn thị trường mặt hàng thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng.

Đơn cử, tại Thành phố Hồ Chí Minh để chủ động ứng phó với mọi tình huống, thành phố đã huy động các doanh nghiệp kinh doanh chủ lực tham gia chương trình bình ổn thị trường, thực hiện dự trữ mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm thịt khác. Tương tự, các địa phương lớn khác cũng đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo cung cầu và bình ổn giá mặt hàng này.

Bộ Công Thương cũng phối hợp với các địa phương tổ chức hàng loạt các sự kiện kết nối cung cầu tại Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình… trong đó một trong những mặt hàng trọng tâm kết nối cung cầu là thịt lợn.

Tại các sự kiện này, hàng loạt các biên bản ghi nhớ giữa nhà sản xuất, nhà phân phối đã được ký kết nhằm đẩy mạnh lưu thông phân phối hàng hóa, trong đó có mặt hàng thịt lợn. Kết nối cung cầu hàng hóa cũng là giải pháp mà Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Bộ cũng yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi găm giữ hàng, các vi phạm về giá, buôn bán thịt lợn qua biên giới, sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Bộ Công Thương nói gì khi giá thịt lợn trong nước liên tục tăng cao? ảnh 3Việc nhập khẩu thịt lợn phải tuân thủ nghiêm ngặt những điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Vậy để bình ổn mặt hàng này, theo ông trách nhiệm của các cơ quan chức năng ra sao?

 Ông Trần Duy Đông: Trách nhiệm mà Bộ Công Thương được giao là tăng cường công tác bình ổn giá, bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn. Công tác này hiểu nôm na chính là việc điều tiết thị trường, đưa sản phẩm từ nơi thừa đến nơi thiếu để không xảy ra tăng giá cục bộ. Nhưng trong bối cảnh nguồn cung nơi nào cũng thiếu như hiện nay thì việc điều tiết thị trường sẽ rất khó.

Do đó, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá chính xác nguồn cung hiện tại và dự báo đến Tết Nguyên đán, các tháng Một và tháng Hai, cũng như sau Tết Nguyên đán, chủ động việc tái đàn cũng như nhập khẩu đủ nguồn hàng sử dụng trong không chỉ trước, trong mà còn sau Tết Nguyên đán và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất ổn định giá bán, cam kết không tăng giá.

Bộ Công Thương đề nghị lực lượng hải quan và biên phòng, trong chức năng nhiệm vụ của mình cần phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường nhằm kiểm tra, kiểm soát tốt việc mua bán lợn qua các địa bàn khu vực biên giới, tránh lây lan dịch bệnh ở những vùng đã công bố hết dịch.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục