Bộ Công Thương triển khai các thủ tục trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA

Đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU, 71% thuế cũng sẽ về 0 ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và phần còn lại sẽ được loại bỏ trong khoảng thời gian 7 năm.
Bộ Công Thương triển khai các thủ tục trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA ảnh 1Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang châu Âu. (Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN)

Theo Bộ Công Thương, ngày 30/3, Hội đồng châu Âu (EC) đã quyết định thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) sau khi Hiệp định này đã được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào ngày 12/2/2020.

Quyết định này là bước pháp lý cuối cùng theo thủ tục phê chuẩn nội bộ của EU để Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Theo Bộ Công Thương, hiện tại Hiệp định EVFTA chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định của Hiệp định dự kiến là 30 ngày kể từ ngày thông báo là sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam.

[Hội đồng châu Âu thông qua thủ tục cuối cùng cho EVFTA]

Về phía Việt Nam, Bộ Công Thương đã và đang chủ động phối hợp với các bộ, ngành triển khai các thủ tục trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA.

Ngày 21/2/2020, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ bộ hồ sơ về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, ngày 24/3, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo bộ hồ sơ của Chính phủ để thực hiện các bước tiếp theo trong việc phê chuẩn Hiệp định.

Đồng thời, để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định, theo kiến nghị của Bộ Công Thương, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chủ động rà soát để triển khai ngay việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực thi Hiệp định EVFTA.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng đã chủ động ban hành Kế hoạch về việc triển khai các hoạt động chuẩn bị cho việc phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVFTA từ nay cho đến khi Hiệp định chính thức có hiệu lực.

Theo các chuyên gia thương mại, EVFTA được kỳ vọng mang lại rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và người dân bởi 99% thuế hải quan giữa hai bên sẽ được loại bỏ; trong đó, 65% thuế đối với hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ về 0 ngay khi EVFTA có hiệu lực, phần còn lại sẽ được loại bỏ dần trong khoảng thời gian 10 năm.

Ngược lại, đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU, 71% thuế cũng sẽ về 0 ngay khi Hiệp định có hiệu lực và phần còn lại sẽ được loại bỏ trong khoảng thời gian 7 năm.

Ông Lương Hoàng Thai - Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công Thương) cho biết trong quá trình chuẩn bị để Hiệp định đi vào thực thi, một trong những điều kiện quan trọng là văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về quy tắc xuất xứ. Do vậy, với mỗi Hiệp định thương mại tự do, Bộ Công Thương sẽ ban hành một Thông tư về vấn đề này.

Hiện nay, Thông tư đã được dự thảo, lấy ý kiến các đối tượng có liên quan để mọi người được biết sớm quy tắc xuất xứ cụ thể khi xuất khẩu vào thị trường EU. Cùng đó, các cơ quan liên quan đang bàn về mặt pháp lý để điều chỉnh thời gian Thông tư có hiệu lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục