Biện pháp giảm chi tiêu

Bồ Đào Nha đưa ra các biện pháp giảm chi tiêu mới

Bồ Đào Nha sẽ giảm việc làm trong khu vực hành chính công, tăng tuổi nghỉ hưu và giờ làm việc để có được khoản giải ngân cứu trợ tiếp.
Chính phủ Bồ Đào Nha ngày 3/5 đã công bố các biện pháp cắt giảm chi tiêu mới, trong đó bao gồm kế hoạch giảm việc làm trong khu vực hành chính công, tăng độ tuổi nghỉ hưu và giờ làm việc nhằm đáp ứng yêu cầu của các chủ nợ quốc tế để có được khoản giải ngân tiếp theo trong gói cứu trợ trị giá 78 tỷ euro giúp nước này thoát khỏi khủng hoảng.

Trong bài diễn văn được phát trên cả nước, Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos cho biết ngoài kế hoạch cắt giảm 10% chi tiêu trong khu vực nhà nước vào cuối năm 2014, chính phủ sẽ cắt giảm 30.000 việc làm, tăng tuổi nghỉ hưu từ 65 hiện nay lên 66 tuổi và giờ làm việc cũng tăng từ 35 giờ/tuần lên 40 giờ/tuần.

Theo ông Passos, các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới trong giai đoạn trung hạn của Chính phủ Bồ Đào Nha sẽ mang lại cho nước này khoảng 4,8 tỷ euro vào năm 2015 và hy vọng đến cuối năm 2016 sẽ tiết kiệm tổng cộng 6 tỷ euro.

Với những biện pháp trên, chính phủ của ông Passos cũng hy vọng sẽ đáp ứng được các mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống mức 5,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay, 4% năm kế tiếp và chỉ còn 2,5% năm 2015, dưới mức trần quy định Liên minh châu Âu (EU) đặt ra cho các nước thành viên là 3%.

Đây cũng là điều kiện để nước này có thể nhận được đợt giải ngân tiếp theo của nhóm "bộ ba"chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trước đó, ngày 5/4, Tòa án Hiến pháp Bồ Đào Nha đã bác bỏ một số biện pháp tài chính khắc khố trong dự thảo ngân sách tài khóa 2013, cho rằng kế hoạch tiết kiệm 5,3 tỷ euro thông qua việc tăng thuế và cắt tháng lương thứ 14, giảm trợ cấp thất nghiệp cũng như tiền dưỡng bệnh là "vi hiến."

Tháng 5/2011, EU và IMF cam kết dành cho Bồ Đào Nha gói cứu trợ vỡ nợ trị giá 78 tỷ euro (tương đương 102 tỷ USD). Đổi lại, Lisbon phải thực hiện một chương trình cải cách kéo dài ba năm.

Tháng 11/2012, Chính phủ liên hiệp theo đường lối trung hữu của Bồ Đào Nha đã thông qua ngân sách "thắt lưng buộc bụng" cho năm 2013, bị đánh giá là sẽ tác động đến mọi đối tượng do giảm thu nhập của người dân thông qua tăng thuế và giảm chi phí an sinh.

Đây chính là nguyên nhân dẫn đến bùng nổ làn sóng biểu tình chống chính phủ diễn ra trong suốt thời gian qua tại Bồ Đào Nha./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục