“Bộ đi ngược với chủ trương lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân"

“Bộ đi ngược với chủ trương lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân”

“Việc Bộ Văn hóa yêu cầu Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng có biện pháp xử lý tôi (liên quan đến những phát ngôn về quy hoạch Sơn Trà) là việc đi ngược lại với chủ trương lắng nghe những ý kiến của nhân dân.”
“Bộ đi ngược với chủ trương lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân” ảnh 1Cảnh trời biển giao hòa nhìn từ đỉnh Bàn Cờ trên núi Sơn Trà (Ảnh: TTXVN)

Những ngày qua, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản yêu cầu Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng có biện pháp xử lý ông Huỳnh Tấn Vinh (về những phát biểu tại hội nghị về quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà) gây bức xúc trong dư luận.

Về phía mình, ông Huỳnh Tấn Vinh cho rằng, đây là việc làm đi ngược lại với chủ trương lắng nghe những ý kiến đóng góp, phản hồi của đông đảo quần chúng nhân dân, người lao động trong việc xây dựng, phát triển du lịch địa phương nói riêng và đất nước nói chung.

[Đà Nẵng báo cáo Thủ tướng về quy hoạch Khu du lịch Sơn Trà]

Trong khi đó, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thừa nhận: “Bộ nhận trách nhiệm về những sơ suất tại nội dung văn bản nêu trên. Văn bản có một số nội dung chưa phù hợp.”

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho biết, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã chỉ đạo thu hồi văn bản trên; đồng thời yêu cầu Tổng cục Du lịch làm rõ trách nhiệm quá trình tham mưu ban hành văn bản.”

Ban hành rồi… thu hồi!

Trước đó, ngày 30/5, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức tọa đàm “Phát triển du lịch bền vững tại khu du lịch quốc gia Sơn Trà.”

Tọa đàm có sự tham dự, đóng góp ý kiến của đại diện nhiều Bộ, ngành, hiệp hội du lịch, nhà nghiên cứu (trong các lĩnh vực: môi trường, xây dựng, du lịch…); trong đó có ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.

[Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chưa triển khai quy hoạch Sơn Trà]

Sau đó, đến ngày 2/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Văn bản số 2383/BVHTTDL-TCDL về việc phát ngôn của ông Huỳnh Tấn Vinh tại tọa đàm ngày 30/5/2017.

Văn bản này nêu rõ: “Mặc dù đã được chủ trì tọa đàm nhắc nhở về việc cân nhắc kỹ nội dung phát ngôn, đảm bảo chuẩn xác nhưng ông Huỳnh Vĩnh Tân vẫn cố tình phát biểu tại tọa đàm những nội dung thiếu chính xác.”

Cụ thể, văn bản ngày 2/6 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trích dẫn lại phát biểu của ông Huỳnh Tấn Vinh như sau: “Quy hoạch này vi phạm các điều luật như sau: Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 (điểm 2, điều 4 về rừng đặc dụng), Luật Đa dạng sinh họa năm 2008 (điều 8,9,21,2 khoản 2 và điều 72), Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015 (điều 16), Luật Bảo vệ phát triển rừng (điều 7, điều 12), Luật Đa dạng sinh học (điều 9), Luật Tài nguyên môi trường (điều 22, 23, 24) và các Nghị định khác.”

“Việc phát ngôn như trên của ông Huỳnh Tấn Vinh là chủ quan, thiếu cơ sở và làm cho dư luận hiểu sai vấn đề,” văn bản ngày 2/6 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết luận.

Từ đó, cũng tại văn bản này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng xem xét sự việc trên, đồng thời có biện pháp xử lý, yêu cầu ông Vinh có văn bản giải trình, trả lời Bộ trước ngày 15/6.

“Bộ đi ngược với chủ trương lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân” ảnh 2Bãi biển ven bán đảo Sơn Trà. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/ TTXVN)

Người trong cuộc nói gì ?

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên sáng 5/6, ông Huỳnh Tấn Vinh khẳng định: “Các ý kiến của tôi đưa ra tại tọa đàm đều có căn cứ, dựa trên những quy định tại các luật, nghị định. Theo tôi, tại các hội nghị, tọa đàm khoa học, việc tồn tại những luồng ý kiến trái chiều là điều bình thường, để từ đó, có sự phản biện, đi tới thống nhất phương án đảm bảo tính khoa học.”

Ông Vinh cho rằng, trong trường hợp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thấy ý kiến của ông tại tọa đàm là không phù hợp thì cũng cần đưa ra các luận điểm khoa học để phản biện.

“Việc kết luận những ý kiến phát biểu của tôi thiếu chính xác mà không đưa ra các luận điểm, phân tích cụ thể, để sau đó dùng các văn bản hành chính yêu cầu xử lý như trong trường hợp này là không thỏa đáng,” Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng bày tỏ./.

Bán đảo Sơn Trà rộng 4.439 ha, nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10 km về phía Đông Bắc. 

Trước tháng 5/2013, có 18 dự án phát triển du lịch trên bán đảo Sơn Trà được Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô phòng lưu trú khoảng 5.000 phòng. Tháng 11/2016, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà với số phòng giảm chỉ còn 1.600.

Tuy nhiên, sau khi công bố quy hoạch, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng gửi kiến nghị đến Thủ tướng, bày tỏ quan ngại về việc Sơn Trà sẽ bị bê tông hóa bởi các dự án du lịch, kiến nghị xem xét lại bản quy hoạch theo hướng giữ nguyên hiện trạng.

Cụ thể, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng kiến nghị giữ nguyên hiện trạng, không xây dựng thêm các cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà. Theo Hiệp hội này, trên bán đảo Sơn Trà chỉ nên có số cơ sở lưu trú hiện nay - khoảng 300 phòng.

Chiều 28/5/2017, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với đại diện Bộ Văn hoá và Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng. Phó Thủ tướng chỉ đạo chưa triển khai quy hoạch Sơn Trà, chấp thuận cho Bộ Văn hoá và Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng 3 tháng để trả lời kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục