Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến hình thức góp ý bản thảo các bộ sách giáo khoa theo ba vòng.
Theo đó, ở vòng đầu tiên, mỗi sở giáo dục và đào tạo sẽ chọn 10 giáo viên có kinh nghiệm mỗi môn tương ứng với sách giáo khoa góp ý qua mạng (sử dụng tài khoản đăng nhập). Ở vòng tiếp theo, sẽ chọn một số giáo viên có kinh nghiệm, nhiệt tình tập trung góp ý trực tiếp. Vòng cuối cùng sẽ lấy ý kiến giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong quá trình lựa chọn, tập huấn sử dụng sử dụng sách giáo khoa (kết hợp đăng tải bằng PDF lên mạng cho đông đảo nhân dân góp ý).
Mở rộng hình thức góp ý cho sách giáo khoa bên cạnh những góp ý từ hội đồng thẩm định sách giáo khoa là một trong những điều chỉnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy trình thẩm định, ban hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Mục đích của việc này nhằm hạn chế tối đa những sai sót trong sách giáo khoa trước khi đưa vào giảng dạy chính thức trong các nhà trường.
[Bộ Giáo dục sẽ điều chỉnh quy trình ban hành sách giáo khoa mới]
Trước đó, việc thẩm định, góp ý sách giáo khoa chỉ được Bộ giao cho hội đồng thẩm định sách và không công bố bản thảo rộng rãi cho công chúng trước khi ban hành. Tuy nhiên, dù đã được thẩm định nhưng chỉ chưa đầy một tháng giảng dạy, những “hạt sạn” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 ở bộ Cánh Diều đã khiến dư luận "dậy sóng", buộc Bộ Giáo dục và Đào tạo phải yêu cầu nhà xuất bản và tác giả điều chỉnh.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành thẩm định sách giáo khoa lớp hai và lớp 6. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến với 63 sở giáo dục và đào tạo về việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ngày 18/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đặc biệt nhấn mạnh khâu lấy ý kiến góp ý rộng rãi, đặc biệt từ giáo viên.
Bộ trưởng khẳng định không ai sát sao, hiểu rõ về sách giáo khoa hơn các chuyên gia về nội dung này và các thầy cô giáo đang trực tiếp đứng lớp. Vì vậy, ý kiến của các thầy cô là vô cùng quan trọng. Đồng thời, đây cũng là dịp để thầy cô có thể tiếp xúc sớm với sách giáo khoa mới. Tư lệnh ngành giáo dục khẳng định sách giáo khoa phải làm thật chuẩn mực, thật kỹ, thật tinh thì mới ban hành./.