Bộ Giáo dục và Đào tạo khởi động dự án Sức khỏe thanh thiếu niên

Dự án được triển khai tại 20 trường trung học cơ sở, 6 trường trung học phổ thông và 3 trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khởi động dự án Sức khỏe thanh thiếu niên ảnh 1Tập thể dục sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 29/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức khởi động “Dự án sức khỏe thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2023-2025”. Đây là hoạt động nhằm tăng cường công tác phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm và cụ thể hoá các nội dung của Chương trình sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay Tổ chức Y tế thế giới đã xác định bốn hành vi, lối sống hình thành từ lứa tuổi học sinh, sinh viên liên quan đến sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm bao gồm: hút thuốc lá, uống rượu bia, chế độ ăn uống không lành mạnh và ít hoạt động vận động thể lực.

Nhằm tăng cường công tác phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm và cụ thể hóa các nội dung của Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam quyết định triển khai Dự án Sức khỏe thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2023-2025 do tập đoàn AstraZeneca viện trợ không hoàn lại. Dự án được triển khai tại 20 trường trung học cơ sở, 6 trường trung học phổ thông và 3 trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Dự án là nhằm góp phần cải thiện sức khỏe, cuộc sống khoẻ mạnh, hạnh phúc của học sinh, sinh viên từ 10-24 tuổi tại Hà Nội. Thông qua việc thực hiện dự án, học sinh, sinh viên ở Hà Nội được nâng cao kiến thức và năng lực về phòng chống bệnh không lây nhiễm, các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm, từ đó đưa ra quyết định với đủ thông tin sức khỏe của bản thân.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khởi động dự án Sức khỏe thanh thiếu niên ảnh 2Các bên cùng ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai dự án. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Dự án đặt ra 4 nhiệm vụ gồm: nâng cao năng lực phòng chống bệnh không lây niễm cho học sinh, sinh viên; cung cấp thông tin cho cha mẹ học sinh, giáo viên để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên thực hành các hành vi sức khoẻ lành mạnh, an toàn; tăng cường chất lượng của hoạt động y tế, giáo dục thể chất trong trường học hỗ trợ học sinh, sinh viên tiếp cận với các dịch vụ thân thiện; khuyến nghị chính sách có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho phòng, chống bệnh không lây nhiễm và nâng cao sức khoẻ của học sinh, sinh viên.

[Việt-Nhật chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống các bệnh không lây nhiễm]

Để dự án đạt được các mục tiêu, yêu cầu đã đề ra, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất đề nghị lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, lãnh đạo các trường đại học, trung học phổ thông, trung học cơ sở tham gia dự án quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất và tích cực phối hợp chặt chẽ với Ban điều hành dự án, Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổ chức Plan để triển khai các hoạt động của dự án theo đúng kế hoạch, tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2011 và 2014, bệnh không lây nhiễm được ước tính lần lượt chiếm 73% và 75% tổng số ca tử vong tại Việt Nam. Năm 2018, con số này tăng lên 77%, trong đó bệnh tim mạch và ung thư là những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong liên quan đến bệnh không lây nhiễm (lần lượt chiếm tỷ lệ là 31% và 19%).

Theo ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty AstraZeneca Việt Nam, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây tử vọng hàng dầu không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng tránh được, nhất là từ sớm với thanh thiếu niên để họ có nhận thức đúng, từ đó có hành động đúng đắn và có cuộc sống khỏe mạnh sau này.

Cũng theo ông Nitin Kapoor, dự án sức khỏe thanh thiếu niên đã tiếp cận trên 10 triệu trẻ em ở nhiều quốc gia trên khắp các châu lục trên thế giới. Tại Việt Nam, dự án được bắt đầu khởi động từ năm 2019 và đã đạt những kết quả tích cực trong giai đoạn 1 dù chịu tác động của dịch COVID-19. Đây là cơ sở quan trọng để các bên liên quan tiếp tục triển khai dự án một cách hiệu quả hơn nữa trong giai đoạn 2021-2025./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục