Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 7 kiến nghị phát triển thị trường chứng khoán

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị cần khẩn trương hoàn thành nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi nhằm thúc đẩy dòng vốn gia tăng vào Việt Nam.

Hội nghị Triển khai Nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, ngày 28/2. (Ảnh: TTXVN)
Hội nghị Triển khai Nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, ngày 28/2. (Ảnh: TTXVN)

Năm 2024, tình hình kinh tế-xã hội sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức hơn nữa so với năm 2023. Hơn nữa, năm nay có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển 5 (năm 2021-2025). Việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực là một trong những trọng tâm của năm, trong đó việc huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán được xác định là một trong những kênh quan trọng.

Nội dung trên được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh tại Hội nghị Triển khai Nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, ngày 28/2.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng diễn biến phức tạp, theo đó kinh tế toàn cầu dự báo sẽ tăng trưởng chậm, thương mại, đầu tư quốc tế suy giảm. Thêm vào đó, lạm phát leo ở mức cao, nhiều đồng tiền mất giá cùng nợ công gia tăng. Trong bối cảnh đó, thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trong khi, Việt Nam vẫn là nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô của nền kinh tế còn hạn chế, độ mở cao, sức chống chịu còn nhiều bất cập. Và, tất cả những điều này sẽ tạo nên áp lực rất lớn đến công tác quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, tác động đến việc phục hồi, phát triển kinh tế của nhiều ngành, lĩnh vực và đời sống xã hội.

Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính, các cơ quan tập trung vào một số nhiệm vụ để phát triển thị trường chứng khoán trong năm 2024.

Một là khẩn trương hoàn thành nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Thời gian gần đây, các tập đoàn, quỹ đầu tư quốc tế có chung quan điểm nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, thì dòng vốn vào Việt Nam tăng lên rất nhiều.

Hai là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần khẩn trương ban hành Kế hoạch hành động để triển khai chiến lược phát triển thị trường chứng khoán năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/12. Đặc biệt là nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến đổi mới, cải cách thể chế và ban hành các quy phạm để làm cơ sở phát triển thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán ổn định, lành mạnh, dần đáp ứng các chuẩn mực, tiêu chuẩn quốc tế. Bởi, kế hoạch được xây dựng sớm, ban hành sớm sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả, không bị chồng chéo.

Ba là chuyên nghiệp hơn nữa trong các hoạt động của thị trường. Hiện nay, thị trường chứng khoán vẫn thiếu vắng các công ty đầu tư chuyên nghiệp mà chủ yếu vẫn là các nhà đầu tư cá nhân và một số quỹ. Trên thực tế, Luật Chứng khoán đã ban hành, nhưng cho đến nay các công ty đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hầu như chưa được thành lập. Vì vậy, các cấp quản lý cần phải đánh giá, rà soát vì sao Luật Chứng khoán đã có quy định song các công ty, các nhà đầu tư không mặn mà trong việc thành lập nhà đầu tư chuyên nghiệp, công ty đầu tư chuyên nghiệp.

Bốn là tăng hàng hóa có chất lượng, để huy động thêm nguồn lực tạo sản phẩm mới cho thị trường chứng khoán đóng vai trò rất quan trọng, trong đó cần chú trọng đến Tài chính Xanh và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước cần đẩy mạnh đồng thời gắn việc cổ phần hóa các doanh nghiệp này với niêm yết trên thị trường chứng khoán. Năm 2023, số lượng doanh nghiệp, tổng công ty được cổ phần hóa gắn với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán hầu như không có, do đó nội dung này cần tập trung trong năm 2024.

Năm là khẩn trương cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có điều kiện (theo quy định của pháp luật về chứng khoán) được niêm yết trên sàn chứng khoán. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ đã nhận được rất nhiều văn bản của các nhà đầu tư nước ngoài đề nghị sớm triển khai nội dung này, vì Luật Chứng khoán năm 2019 đã có hiệu lực từ ngày 01/1/2021.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần phải xem xét phân biệt điều kiện về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết, để có thể có một số điều kiện mở hơn so với các doanh nghiệp không niêm yết.

Sáu là nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, công tác kiểm tra, giám sát và đặc biệt là công tác cảnh báo sớm. Việc đẩy mạnh công tác giám sát đóng vai trò rất quan trọng để đưa hoạt động thị trường vào nề nếp. Bên cạnh đó, những cảnh báo sớm sẽ giúp cho việc xử lý sớm và tránh những việc kéo dài dẫn đến hệ lụy không tốt cho thị trường chứng khoán. Để làm được việc này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống dữ liệu.

Thứ bảy là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính cần tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, đảm bảo kết nối, hoạt động trên môi trường điện tử và đặc biệt là kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia với các hệ thống khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục