Bộ Ngoại giao Đức khẳng định EU tiếp tục hỗ trợ Ukraine

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ ngay cả khi không có sự đồng thuận từ Hungary, 26 quốc gia EU còn lại vẫn có thể hành động và sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev.

Quân nhân Ukraine tuần tra quanh căn cứ quân sự ở vùng Donetsk ngày 4/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Quân nhân Ukraine tuần tra quanh căn cứ quân sự ở vùng Donetsk ngày 4/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine "trong mọi trường hợp," bất chấp sự phản đối từ Hungary.

Lời khẳng định này được Bộ Ngoại giao Đức đưa ra ngày 28/12.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ sự đồng thuận ủng hộ Ukraine trong EU, trong đó có kế hoạch hỗ trợ tài chính trị giá 50 tỷ euro, vẫn là giải pháp tốt nhất và bền vững nhất.

Tuy nhiên, ngay cả khi không có sự đồng thuận từ Hungary, 26 quốc gia EU còn lại vẫn có thể hành động và sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev.

Dự kiến, một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt sẽ diễn ra tại Brussels vào tháng 1/2024.

Truyền thông Đức đưa tin một "kế hoạch B" đang được xem xét, có thể là một thỏa thuận liên chính phủ giữa 26 quốc gia EU (không bao gồm Hungary) hoặc sự bảo đảm từ các quốc gia này rằng Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra các khoản vay mới.

Mặc dù vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức vẫn nhấn mạnh rằng ưu tiên của nước này là một thỏa thuận nằm trong khuôn khổ ngân sách EU. Mong muốn này chỉ có thể thực hiện được khi có sự nhất trí của cả 27 thành viên của liên minh.

Trong khi đó, lãnh đạo Ukraine, Hungary chuẩn bị gặp song phương. Ngày 28/12, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak cho biết Kiev và Budapest đang nỗ lực chuẩn bị tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Theo ông Yermak, ông đã trao đổi với Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto về việc tổ chức cuộc gặp này, đồng thời khẳng định hai bên đang nỗ lực để cuộc gặp có thể diễn ra "trong tương lai gần."

Đây sẽ là cuộc gặp song phương đầu tiên giữa Thủ tướng Orban và Tổng thống Zelensky kể từ tháng 2/2022, thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Trong 2 năm qua, hai nhà lãnh đạo chỉ gặp nhau tại các diễn đàn quốc tế.

Mối quan hệ giữa Tổng thống Zelensky và Thủ tướng Orban có nhiều căng thẳng do Budapest liên tục ngăn chặn nỗ lực của EU cung cấp viện trợ tài chính cho Kiev, cũng như phản đối việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine.

Thủ tướng Orban cũng phản đối việc Ukraine trở thành thành viên EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục