Trong nhiệm kỳ thứ hai với mục tiêu để lại những di sản giá trị cho nước Mỹ, việc bổ nhiệm thành viên cho tòa án các cấp tới tận Tòa tối cao Mỹ của Tổng thống Barack Obama được chờ đợi sẽ tạo ra những ảnh hưởng hết sức lâu dài. Trong vòng bốn năm tới, tổng thống phe Dân chủ này sẽ có cơ hội thay đổi các tòa án hiện đang có khuynh hướng bảo thủ, nghiêng về phía cánh tả với hơn 100 vị trí cần người thay thế, cũng như một tòa tối cao có thể trống ba vị trí. “Rất điển hình là trong nhiệm kỳ thứ hai các tổng thống sẽ xử lý những vấn đề di sản để lại”, Doug Kendall, chủ tịch Trung tâm trách nhiệm giải trình hiến pháp, một tổ chức nghiên cứu tại Washington, bình luận. “Ông ấy phải thực thi các quyền và trách nhiệm hiến định.” Kendall cũng hối thúc ông Obama nên bổ nhiệm “những người trung lập” vào các tòa án mới trong tình hình “quan điểm về hiến pháp hiện giờ là rất cực đoan” do một số thẩm phán có quan điểm hết sức bảo thủ đang ngồi trong tòa. Tổng thống Mỹ có quyền đề xuất thẩm phán cho toàn bộ hệ thống tòa liên bang trong nước, bao gồm 89 tòa sơ thẩm, 13 tòa thượng thẩm và Tòa tối cao. Thượng viện có trách nhiệm xem xét và thông qua (hoặc bác bỏ) tất cả các đề xuất của tổng thống. Hiện giờ, hầu hết trong số 179 thẩm phán tòa thượng thẩm và 678 thẩm phán sơ thẩm do các tổng thống Cộng hòa bổ nhiệm trải qua ba thập kỷ, khiến các tòa án nghiêng mạnh về phía cánh hữu. “Tổng thống Obama thực sự là tư lệnh trong lĩnh vực này, đa dạng hóa hơn quan điểm của các tòa án,” Caroline Fredrickson, chủ tịch Hội hiến pháp, luật và chính sách Mỹ, nói. Theo Fredrickson, nước Mỹ “cần một hệ thống tòa án thực sự công bằng và cân bằng” cả về chính trị và xã hội. Frederickson ca ngợi Obama đã tăng số phụ nữ, người đồng tính và thiểu số trong các tòa liên bang, bao gồm hai phụ nữ mà ông đã bổ nhiệm ở Tòa tối cao. Về nguyên tắc, hệ thống tư pháp Mỹ phải là không đảng phái, theo lời Andrew Blotky, giám đốc các vấn đề chính sách tại Trung tâm phát triển Mỹ thiên tả. “Các thẩm phán không phải là những nhà làm chính sách,” Blotky nói.
Obama đã tăng số phụ nữ, người đồng tính và thiểu số trong các tòa liên bang, bao gồm hai phụ nữ mà ông đã bổ nhiệm ở Tòa tối cao. Trong ảnh là nữ thẩm phán Sonia Sotomayer (Nguồn: AFP)
Nhưng dù là trong các vấn đề cải cách y tế, quyền bỏ phiếu hay chính sách phân biệt với thiểu số, chỉ rất ít vụ việc được đưa ra Tòa tối cao trong vài tháng gần đây. Blotky nói “các tòa án đóng vai trò quan trọng và dài hạn trong đời sống nước Mỹ.” Người tiền nhiệm của ông Obama, tổng thống Cộng hòa George W. Bush “đã làm tràn ngập” các tòa án với những tổng thống thiên hữu, theo lời Ian Millhiser, một nhà phân tích chính sách và hiến pháp cũng thuộc Trung tâm phát triển Mỹ. Ông Bush đã bổ nhiệm 12 thẩm phán ở các tòa thượng thẩm và hai ở Tòa tối cao, bao gồm Chánh án Tòa tối cao đương nhiệm John Roberts. Giờ khi cơ hội đã tới, ông Obama phải thay đổi “với làn sóng mới” để khôi phục lại sự cân bằng của hệ thống tư pháp, theo Millhiser. Sau khi đã bổ nhiệm Sonia Sotomayor và Elena Kagan vào Tòa tối cao gồm chín thẩm phán, ông Obama có cơ hội thay thêm ba người nữa sẽ quá tuổi 80 vào năm 2015. Các tin đồn hiện tập trung vào thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, 79 tuổi và đang bị ung thư. Nhưng ảnh hưởng của tổng thống không chỉ là ở Tòa tối cao khi các chỗ trống tại những tòa cấp thấp hơn cũng đã xuất hiện nhiều hơn trong bốn năm qua, một phần vì ông Obama gặp khó khăn trong việc thông qua các đề xuất ở Thượng viện. Dù phe Dân chủ nắm đa số tại đó, những ứng viên Cộng hòa có thể sử dụng các thủ thuật lập pháp để ngăn cản những ứng viên được thông qua, hoặc đơn giản là kéo dài thời gian xem xét. John Podesta, chủ tịch Trung tâm phát triển Mỹ và từng là chánh văn phòng Nhà Trắng dưới thời Bill Clinton, nói các cải cách với quá trình thông qua đề xuất thẩm phán của tổng thống ở Thượng viện là cần thiết. Millhiser thì nói nếu Obama không sớm giải quyết các thách thức hiện tại, thì “cơ hội sẽ rơi vào tay tổng thống đắc cử năm 2016"./.
Trần Trọng (Vietnam+)